Kinh nghiệm đầu tư homestay: trọn bộ bí quyết bỏ túi

Kinh nghiệm đầu tư homestay: trọn bộ bí quyết bỏ túi

Là một trong những mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú hot nhất hiện nay, đừng bỏ qua kinh nghiệm đầu tư homestay nếu muốn bạn thực sự muốn thử sức.

Đầu như nhà đất luôn có sức hút lớn với giới đầu tư bởi tính đa dạng và hấp dẫn về lợi nhuận. Trước đây, nhắc đến bất động sản, chúng ta thường nghĩ ngay đến đầu tư đất nền, đầu tư nhà phố. Về sau, khi thị trường và nhu cầu người mua ngày càng phát triển, nhiều sự lựa chọn hơn bắt đầu xuất hiện, như: đầu tư shophouse, đầu tư khách sạn, đầu tư căn hộ, đầu tư đất ven đô, đầu tư đất hoa viên nghĩa trang,…

Homestay là một mô hình mới, có thể xem như xu hướng, trào lưu du lịch của người trẻ. Mô hình này từ khi xuất hiện đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm và đón nhận rất lớn. Chính vì vậy, không ít cá nhân mạnh dạn đổi hướng, lựa chọn làm công cụ sinh lời. Tiềm năng từ homestay là có thực, xét về tương lai còn rất nhiều cơ hội để bứt phá. Nhưng, làm sao có lợi nhuận hiệu quả, ổn định từ homestay thì không hẳn ai cũng đủ kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường để tự tin khẳng định.

Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về mô hình đầu tư homestay, hãy thử tham khảo một số thông tin trong bài viết này, chắc chắn sẽ hữu ích cho kế hoạch kinh doanh sắp tới.

NỘI DUNG CHÍNH

Homestay là gì? Đặc trưng của homestay

Homestay được hiểu là loại hình dịch vụ lưu trú mà tại đó, du khách sẽ được trải nghiệm gần gũi nhất với cuộc sống, nếp sinh hoạt của người dân bản địa; nói rộng hơn là các mô hình mang tính chất thân thuộc, cho phép người sử dụng tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống văn hóa tại vùng miền đặt chân đến.

Thông qua homestay, có thể quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách hiệu quả, chân thực. Với một quốc gia đa văn hóa như Việt Nam thì homestay là loại hình cực kỳ phù hợp, đặc biệt ở các khu vực phát triển về du lịch như Hà Nội, Yên Bái, Mộc Châu, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Bến Tre, Long An,…

Homestay và 6 nét đặc trưng nổi bật

Cũng là loại hình lưu trú phục vụ chủ yếu cho khách du lịch nhưng homestay lại có những điểm khác biệt lớn so với khách sạn, nhà nghỉ hay biệt thự, villa,…

Tại homestay, du khách có thể gặp gỡ, giao lưu và trải nghiệm văn hóa địa phương

Du lịch gắn liền với văn hóa là một trong những hoạt động được khuyến khích hiện nay. Homestay là loại hình lưu trú dựa vào cộng đồng, gắn với màu sắc mang tính đặc trưng của bản địa. Khi ở tại homestay, du khách sẽ cùng ăn, cùng sinh hoạt với người dân, trở thành một thành viên thực thụ trong gia đình của họ; được tham gia vào nhịp sống thường nhật cũng như các lễ hội. Khó có một loại hình nào có được sự gắn kết về văn hóa như homestay. Đây là cách tốt nhất để du khách tự mình cảm nhận, tìm hiểu sâu sắc hơn về vùng đất mà họ đang đặt chân tới.

Homestay có những dịch vụ “cây nhà lá vườn”

Hiện nay, mô hình homestay được phát triển với các dịch vụ cao cấp, đa dạng hơn nhưng thực tế, dịch vụ tại homestay nguyên bản được chính cộng đồng dân cư cung cấp, bao gồm ăn uống và lưu trú, thậm chí là kiêm luôn vai trò của một hướng dẫn viên. Người dân địa phương hơn ai hết sẽ hiểu rõ về văn hóa vùng miền, nắm trong lòng bàn tay những địa điểm đẹp,…

Homestay và 6 đặc trưng

Trau dồi khả năng ngoại ngữ và làm quen cùng nhiều bạn mới

Khách du lịch cùng đến và ở lại homestay khá đa dạng, phần lớn đều là không biết nhau từ trước. Khi cùng nhau lưu trú, các du khách tham gia vào những hoạt động chung, từ đó hình thành chiếc cầu nối cho các mối quan hệ mới, trao đổi văn hóa, ngôn ngữ. Vừa du lịch vừa mở rộng vòng tròn quan hệ, chính là đặc trưng của homestay.

Hình thành trên những vị trí đặc biệt

Theo khảo sát, “thị trường” homestay thường được hình thành và phát triển chủ yếu ở những vùng, khu vực có cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên hoang dã cần được bảo tồn, những nơi có văn hóa đa dạng, nhiều nét đặc trưng văn hóa của các tộc người,… các khu vực không đủ điều kiện về quy hoạch, quy mô, hay kinh phí,… để xây dựng các mô hình lưu trú như khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, quán ăn,…

Giá rẻ, có quy mô vừa và nhỏ

Mô hình homestay đơn giản nhất thường là các hộ gia đình cải tạo lại nhà ở của mình, xin giấy phép kinh doanh và đón khách. Quy mô hơn, nhà đầu tư tạo hẳn một khu homestay chuyên để phục vụ du khách. Số lượng khách mỗi homestay dao động từ 10 – 30 người, giá phòng dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn, tùy vào địa phương, trang thiết bị và dịch vụ cung cấp.

Các dịch vụ, tiện nghi phục vụ ở mức tối thiểu

Các dịch vụ tại homestay tuy chỉ đáp ứng ở mức trung bình khá nhưng lại tương đối đầy đủ, phục vụ tốt cho các nhu cầu cá nhân như nghỉ ngơi, ăn uống, tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái với mức giá hợp lý. Mục tiêu của homestay là cảm giác như ở nhà nên đề cao sự mộc mạc, gần gũi, chân thực nhất.

Ưu – nhược điểm khi đầu tư homestay

Bất kỳ loại hình đầu tư nào cũng tồn tại những mặt ưu và nhược điểm, homestay không là ngoại lệ. Việc nghiên cứu, phân tích kỹ ưu – nhược điểm của sản phẩm sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện đúng hơn về thị trường và tiềm năng.

Ưu điểm của đầu tư homestay

Homestay là lựa chọn nhiều cơ hội trong tương lai

Sự xuất hiện và trở nên thịnh hành của homestay ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây cho thấy sức hút từ mô hình này không hề nhỏ, lấy nền tảng từ trào lưu tây balo và phượt của giới trẻ. Nói về nhu cầu du lịch trải nghiệm, chắc chắn khó có loại hình lưu trú nào soán ngôi được homestay. Chính bởi sự độc lạ, khác biệt và bắt nhịp tốt xu thế nên homestay được đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển dài hạn. Trong tương lai, con người sẽ có thiên hướng lựa chọn những dịch vụ gắn kết với thiên nhiên, văn hóa, môi trường sống, kết hợp giữa học hỏi, trải nghiệm và nghỉ ngơi, thư giãn.

Theo nhận định từ các chuyên gia, homestay hiện đã nở rộ ở nhiều vùng miền, từ các tỉnh, thành mạnh về du lịch lẫn những địa phương mới nổi. Kinh doanh homestay không thu hút những đơn vị chuyên nghiệp mà chủ yếu là những người ít vốn, dân địa phương, dân đầu tư muốn có thêm công cụ kiếm lời; bởi thị trường này tuy tiềm năng nhưng nhỏ lẻ. Tuy lợi nhuận khi so với khách sạn, resort sẽ không bằng nhưng chi phí bỏ ra vừa vặn, nguồn thu nhập có thể cải thiện được khi tận dụng thêm các dịch vụ khác.

Những ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều chủ homestay tự tin tạo cho mình khoản thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu một tháng. Một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ về căn homestay của mình: “Ban đầu, tôi thuê lại căn nhà này của chủ cũ với giá 8 triệu đồng/tháng, thời hạn thuê 3 năm. Sau đó, tôi đầu tư tổng cộng khoảng 150 triệu cho việc tân trang và sắm sửa nội thất. Khi homestay đã đi vào hoạt động, tôi thu về mỗi tháng 60 triệu đồng, những tháng thấp điểm cũng được trên 40 triệu đồng. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí rơi vào 20 – 30 triệu đồng. Nhờ vậy mà tôi tự tin nhân rộng mô hình, đầu tư thêm 03 căn homestay khác. Việc thu về lợi nhuận 90 – 100 triệu đồng mỗi tháng là hoàn toàn khả thi”.

Vốn đầu tư ít và dễ huy động

Trong số các loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú thì homestay là mô hình cần số vốn ban đầu tương đối ít, lợi thế hơn hẳn, tùy vào điều kiện sẵn có mà nhà đầu tư chỉ cần chi thêm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Vì vậy, không khó để có thể huy động vốn, sử dụng các khoản vay từ người thân, bạn bè, ngân hàng hoặc tích góp, hùn vốn,…

Thời gian thu hồi vốn nhanh

Thời gian cho quá trình từ khi cải tạo đến lúc vận hành homestay rất nhanh chóng, khoảng từ 2 tuần đến 1 tháng, trừ khi xây dựng mới với quy mô lớn thì sẽ cần thêm thời gian. Tính trung bình giá thuê homestay dao động từ 300.000 đồng – 1 triệu đồng/đêm, tỷ lệ đặt phòng 60% thì trong một tháng, số tiền kiếm được có thể đạt từ 5,4 – 54 triệu đồng. Đầu tư nhanh chóng, tạo ra doanh thu cũng nhanh chóng không kém, đây là điểm cộng lớn cho mô hình homestay.

Tự do về tài chính

Khi homestay đi vào hoạt động với số lượng khách ổn định, quen với cách thức vận hành, việc kinh doanh sẽ theo dòng và mang đến khoản thu nhập thụ động đều đặn, hấp dẫn. Nhiều người bén duyên với đầu tư homestay như một khoản kiếm thêm nhưng sau đó không ngần ngại để gắn bó lâu dài.

Thách thức khi đầu tư homestay

Thị trường đang ngày càng cạnh tranh gay gắt

Mặc dù nhu cầu lưu trú tại homestay hiện nay rất lớn, nhưng trước sức hút của mô hình này, ngày càng đông cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường, đẩy tỷ lệ cạnh tranh lên cao. Đây là hệ quả tất yếu phải xảy ra khi các xu hướng đầu tư trở nên thịnh hành, đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tính độc đáo và sự phù hợp về giá cả.

Khách hàng cũ khó để giữ chân

Đối tượng sử dụng và lựa chọn homestay rất đa dạng nhưng phần lớn là những người trẻ, đặc điểm của họ là ưa thích khám phá và trải nghiệm, thích những điều mới mẻ, khác biệt. Vì vậy, khi lựa chọn homestay, nhóm khách hàng này cũng ít khi “chọn lại” mà sẽ ưu tiên cho các homestay khác. Điều này đồng nghĩa với việc, để giữ được chân khách hàng, các chủ homestay buộc phải rất nỗ lực trong việc hoàn thiện chất lượng, dịch vụ, tạo được dấu ấn riêng trong lòng khách hàng. Không quay trở lại nhưng nếu homestay tốt, họ vẫn sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè, người thân.

Quản lý từ xa có thể gây thất thoát doanh thu

Không phải chủ homestay nào cũng có thời gian để theo dõi toàn bộ quá trình kinh doanh, có mặt trực tiếp để quản lý thường xuyên, chưa kể đến trường hợp homestay nằm ở địa phương khác với nơi ở, nơi làm việc. Vì vậy, bắt buộc phải thuê người khác để thay mình cần thiết, và thường là ưu tiên người dân địa phương.

Nói nghe thì đơn giản nhưng thực tế, cách quản lý từ xa này rất dễ xảy ra rủi ro. Bạn sẽ rất khó để biết được quản lý và nhân viên tại homestay có trung thực trong vấn đề thu nhận tiền phòng hay không. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể khắc phục bằng cách sử dụng các hình thức quản lý thông minh, ví dụ như khóa từ. Khách hàng chỉ có thể vào phòng khi có khóa do phần mềm tạo ra và theo dõi; ễ tân bắt buộc phải nhập thông tin lên phần mềm, nên rất khó để gian lận. Đây không chỉ là một giải pháp tránh thất thoát doanh thu hiệu quả mà còn mang lại hình ảnh chuyên nghiệp cho homestay trong mắt khách hàng, đặc biệt là những du khách nước ngoài.

Ưu - nhược điểm khi đầu tư homestay

Rắc rối đến từ chủ nhà

Trường hợp này rất dễ xảy ra khi bạn không phải là chủ sở hữu của căn nhà mà đầu tư dưới hình thức thuê lại. Nếu trong quá trình ký kết, thỏa thuận hợp đồng thuê, các bên không rõ ràng, bạn có thể gặp rủi ro “dở khóc dở cười” như chủ nhà đòi lại nhà. Một nhà đầu tư từng gặp tình huống này chia sẻ: “Tôi từng thuê một căn làm homestay nhưng sau đó chủ nhà thấy mình làm ăn tốt đã phá hợp đồng, đòi lại nhà. Mặc dù ở thời điểm đó, tôi mới hòa vốn đầu tư thiết kế, sửa sang…”.

Khách đến homestay review thiếu chính xác

Đánh giá của du khách dành cho homestay rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, uy tín của homestay. Việc du khách để lại những review xấu, rate sao thấp thực sự khiến chủ homestay đau đầu; các khách hàng sau sẽ dựa vào đây để quyết định xem có nên đặt phòng hay không. Chắc chắn, hiệu quả kinh doanh homestay sẽ bị giảm đi đáng kể.

Rủi ro đến từ khách thuê

Không phải lúc nào khách thuê cũng có ý thức, sử dụng homestay đúng mục đích du lịch và trải nghiệm. Nhiều trường hợp các nhóm khách thuê vì mục đích sử dụng chất kích thích, bay lắc trá hình. Điều này nếu bị phát giác, chủ homestay sẽ phải gánh trách nhiệm không hề nhỏ, cộng thêm việc dọn dẹp “chiến trường” sau đó cũng không hề dễ chịu.

  • Các chủ homestay chia sẻ một vài kinh nghiệm để tránh được rủi ro này:
  • Nên tránh nhóm khách đặt phòng 1-2 ngày
  • Cần khai báo tạm trú tạm vắng bài bản và ký thỏa thuận thuê nhà có mục đích lưu trú (tránh truy tố tội chứa chấp)
  • Từ chối nếu có đặc điểm nghi ngờ cần kiểm duyệt (giả đem đồ, check phòng,…)
  • Theo dõi booking blacklist để nhận biết những nhóm khách rủi ro

Ngoài ra, một nhóm khách không mong muốn khác mà các chủ homestay phải cảnh giác là khách ảo, hủy phòng ngang, vô trách nhiệm.

Không riêng gì homestay mà rất nhiều dịch vụ lưu trú khác rất dễ gặp phải những trường hợp này, vừa mất thời gian, công sức, vừa gây tổn thất doanh thu:

  • Khách book rồi hủy liên tục để giảm giá,
  • Khách hủy phòng trước giờ check in,
  • Khách book chưa thanh toán tuy nhiên không đến,… là combo khiến các host bực mình nhất. Bạn vừa tốn thời gian, công sức; vừa tổn thất doanh thu.

Chuẩn bị gì trước khi đầu tư homestay

Chọn đất để đầu tư

Áp dụng cho các nhà đầu tư xây mới homestay hoặc chọn điểm kinh doanh khác nơi sống, không tận dụng từ nhà ở sẵn có. Việc chọn đất để đầu tư homestay cũng dựa trên những nguyên tắc cơ bản trong bất động sản nói chung, đồng thời đáp ứng được đặc trưng riêng của loại hình này.

Xác định năng lực, nhu cầu của bản thân

Trước khi muốn bắt đầu tìm kiếm khu đất để đầu tư, cần xác định rõ các vấn đề liên quan đến khả năng của bản thân, bao gồm sở trường, mong muốn, hạn mức tài chính; sau đó xét đến mô hình homestay dự kiến thực hiện. Từ những cơ sở này, bắt đầu khoanh vùng địa lý và đưa ra các tiêu chí lựa chọn phù hợp.

Mỗi mô hình sẽ cần một diện tích, địa thế đất cũng như năng lực bản thân khác nhau, ví dụ:

  • Lưu trú kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ phù hợp với những người có sẵn kiến thức về dược liệu, sức khỏe, spa,…
  • Homestay kết hợp thiền/yoga cần không khí trong lành, diện tích lớn để kiến tạo cảnh quan, có sự yên tĩnh, riêng tư
  • Mô hình farmstay kết hợp giáo dục thì nên chọn nơi không quá xa trung tâm bởi phần lớn khách hàng là gia đình có con nhỏ, nhóm học sinh sinh viên,… cần sự di chuyển thuận tiện.

Ưu tiên “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”

Xu hướng của khách thuê hiện nay là ưa thích những nơi có không gian đẹp, thoáng đãng, thuận tiện.

“Cận thị” nghĩa là gần các khu dân cư, đô thị, trung tâm thành phố; rộng hơn là chỉ các đô thị lớn, các trung tâm thành phố.

  • Yếu tố này đề cập đến tính tiện lợi, tiện nghi bởi khi gần trung tâm, việc tiếp cận với các tiện ích như rung tâm mua sắm, y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí sẽ dễ dàng và đa dạng hơn.
  • Khách hàng của homestay đều đa phần làm việc ở các thành phố, muốn chọn nơi nghỉ ngơi cuối tuần, các kỳ nghỉ lễ, vì vậy khoảng cách ngắn đến các điểm đông dân cư sẽ được họ quan tâm. Nếu làm theo mô hình nông trại, nhà đầu tư sẽ giảm được chi phí bảo quản và vận chuyển.

“Nhị cận giang” hay phú quý sinh tài là yếu tố này được ưa chuộng từ bao đời nay, rất vượng về phong thủy. Ven sông thường là những khu vực có khí hậu mát mẻ, nơi trù phú, thu hút tiền tài, phú quý. Nghĩa là, nếu chọn được khu đất gần nguồn nước sẽ rất lý tưởng để khai thác giá trị nghỉ dưỡng lẫn cảnh quan.

“Tam cận lộ”, nghĩa là gần đường đi. Ở đây được hiểu là vị trí gần các trục đường chính, liên tỉnh, trục đường quốc lộ. Ngoài ra, xem xét thêm các yếu tố: đường vào không quá xa và lắt léo; chiều rộng vừa đủ để cho ô tô con ra vào; đường có nền cứng hoặc có thể nâng cấp, tránh trường hợp đường bùn nhão vào mùa mưa gây nguy hiểm,…

Cùng với đó, mô hình homestay là sự trải nghiệm cùng nhau. Vì vậy, ngoài địa thế dưới góc nhìn về phong thủy, cũng cần đáp ứng yếu tố thuần bản địa. Ví dụ:

  • Homestay miền Tây phải thể hiện được yếu tố sông nước, vườn cây ăn trái,…
  • Homestay Đà Lạt thì đồi trà, đồng hoa, vườn rau, rừng thông, đồi, dốc…
  • Homestay SaPa thì là đồi núi, săn mây, làng bản của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại đây,..

Pháp lý sạch, được phép xây dựng công trình

Muốn quá trình đầu tư và vận hành homestay được suôn sẻ thì ngay từ ban đầu, pháp lý của khu đất cần phải được đảm bảo. Thường những khu đất rộng, đủ để xây dựng homestay, hệ thống cảnh quan, sân vườn,… là đất nông nghiệp. Nếu như người dân đang ở, làm thêm vài phòng cho thuê thì không sao. Tuy nhiên, nếu muốn nâng quy mô phòng lên thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng,…

Đất sạch về pháp lý là đất đáp ứng được các yêu cầu:

  • Có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất),
  • Không tranh chấp, không bị kê biên và vẫn đang trong thời hạn sử dụng đất.
  • Đủ điều kiện để có khả năng cấp phép xây dựng công trình trên đất (đất trồng cây, đất rừng và các loại đất nông nghiệp theo quy định của Pháp luật thì không được xây dựng).
  • Khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất (phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương).

Liên quan đến pháp lý, nhà đầu tư nên tìm hiểu thật kỹ, hỏi thông tin tại các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương, sàng lọc nguồn tin uy tín, không nên quá phụ thuộc vào lời môi giới, cò mồi,…

Xem xét tiềm năng cạnh tranh tự nhiên của khu đất

Một mảnh đất đáng cân nhắc để đầu tư homestay nên có sẵn những yếu tố tự nhiên có thể phát triển thành những lợi thế cạnh tranh, là những yếu tố không chỉ mang lại cảnh quan cho khu đất mà còn có thể tạo ra những hoạt động trải nghiệm mang tính khác biệt cho homestay.

Ngoài ra, cần xem xét sự hài hòa của mô hình homestay với khung cảnh chung tại khu vực, giữ được nét tự nhiên của cảnh quan nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố tiện nghi; có đủ chỗ ngủ, chỗ ăn, chỗ chơi và trải nghiệm cùng người dân tại địa phương.

Một số yếu tố tự nhiên có thể tận dụng khai thác thành dịch vụ đi kèm cho homestay:

  • Rừng tự nhiên: mô hình đa dạng sinh học, cắm trại trong rừng.
  • Hồ nước tự nhiên: dịch vụ câu cá, chèo thuyền.
  • Yếu tố văn hóa bản địa: trải nghiệm nấu ăn, làm đồ thủ công, học các loại hình nghệ thuật dân gian (ví dụ hát quan họ, hát xẩm, thổi khèn, múa sạp,…)
  • Diện tích đất, không gian yên tĩnh, trong lành: kết hợp hoạt động thiền, yoga,…
  • Trồng cây dược liệu: dịch vụ massage xông hơi dược liệu, tắm lá dược liệu,…

Tiềm năng cạnh tranh của khu đất có vai trò khá quan trọng trong kế hoạch đầu tư homestay. Không chỉ tạo ra dấu ấn ban đầu mà còn quyết định đến khả năng phát triển xa hơn cho mô hình, vì càng về sau, nhu cầu, yêu cầu của khách hàng đặt ra càng cao.

Chuẩn bị trước khi đầu tư homestay

Nguồn nhân lực địa phương hỗ trợ cho việc vận hành

Rất nhiều quan điểm sai lầm cho rằng, đầu tư homestay có thể bắt đầu từ quy mô nhỏ nên không mấy chú trọng vào khâu chuẩn bị, lựa chọn các yếu tố nền tảng. Điều này vô tình khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro, phải bỏ dở giữa chừng, thậm chí là bán rẻ lại dự án. Điều hành một dự án homestay không chỉ dừng lại ở tâm huyết mà cần phải có trình độ, am hiểu địa phương, có ngoại ngữ, cũng như hiểu về xu hướng du lịch của khách.

Chủ đầu tư có thể đứng ra lo liệu về vốn nhưng không thể tự mình quản lý và đảm bảo các yếu tố cảnh quan, tài sản luôn ở trạng thái tốt nhất. Vì vậy, sử dụng nhân lực địa phương là phương án đầu tiên đáng để cân nhắc, duy trì hoạt động homestay với chi phí nhân sự tối ưu nhất. Người dân bản địa sẽ có lợi thế về sự am hiểu đối với địa phương và khả năng gắn bó lâu dài với công việc.

Lựa chọn ý tưởng thiết kế homestay

Vì sao cùng là homestay nhưng có nơi hút khách, nơi lại không? Ngoài một vị thế đẹp, nhiều du khách chấp nhận đi xa hơn là vì lý do gì? Chắc chắn, chúng phụ thuộc vào thiết kế của homestay. Tâm lý chung của khách thuê, nơi nào độc đáo, mới lạ, khác biệt, luôn được ưu tiên lựa chọn.

Có rất nhiều ý tưởng thiết kế hiện nay để các nhà đầu tư lựa chọn, tùy thuộc vào kinh phí, mô hình hướng đến và yếu tố cảnh quan, văn hóa bản địa. Dưới đây là một số phong cách homestay được ưa chuộng hiện nay.

Phong cách Vintage cổ điển

Có lẽ trong nhịp sống hiện đại như hôm nay, việc tìm về các giá trị truyền thống, màu sắc xưa cũ lại là xu hướng thịnh hành, phản ánh được gu thẩm mỹ tinh tế cũng như tâm hồn có chiều sâu của du khách. Đúng như tên gọi, homestay theo phong cách này ở mọi ngóc ngách đều mang hơi thở của ngày xưa, có chút cổ điển pha với nét lãng mạn, ấm áp, mộc mạc.

Phong cách tự nhiên (Nature)

Natural hay green living là khái niệm chỉ phong cách thiết kế homestay đậm chất “xanh”, gần gũi với thiên nhiên. Điều mà phong cách này mang đến cho khách lưu trú là sự thân thuộc dễ chịu, thoải mái, tươi tắn cùng sắc xanh, hỗ trợ giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những ngày làm việc mệt nhoài. Homestay theo phong cách tự nhiên sẽ ưu tiên các nguyên liệu như gỗ, mây tre, nứa, lá cọ… để thiết kế và trang trí không gian.

Một số mô hình natural homestay được yêu thích hiện nay có thể kể đến như: ngôi nhà trên cây, con nhộng, mái lá view biển, nhà sàn…

Sự pha trộn độc đáo của phong cách Retro

Là một sự kết hợp có vẻ ngẫu hứng nhưng đầy tinh tế của yếu tố hiện đại và cổ điển, trong sự sống động có chút trầm lắng, hoài niệm; không hề tạo cảm giác nhàm chán. Đây chắc chắn là phong cách mang lại sự trải nghiệm độc đáo khó quên cho các du khách trẻ tuổi. Phong cách này có thiết kế đa dạng các ý tưởng trang trí và sắp đặt, tạo ra hiệu ứng không gian nội thất đa chiều.

Lựa chọn ý tưởng thiết kế homestay

Tinh tế cùng phong cách Scandinavian tinh tế​

Scandinavian là phong cách có màu trắng làm chủ đạo, có sự hòa quyện độc đáo giữa sự tối giản – công năng tiện dụng, nét đẹp hiện đại và sự gần gũi với thiên nhiên. Chính bởi gam màu đồng bộ từ những mảng tường cho đến chăn, ga, gối, nệm hay rèm, tủ treo quần áo… nên homestay mang phong cách này gợi cảm giác vô cùng thanh khiết, nhẹ nhàng và tinh tế. Phong cách Scandinavian không chỉ được lòng giới trẻ mà ngay cả các khách hàng trung niên – lớn tuổi cũng rất ưa thích.

Phong cách Rustic ấm cúng

Phong cách Rustic là một trong các phong cách thiết kế mang đậm nét giản dị, mộc mạc, có được sự ấm áp, cảm giác thoải mái, thanh lịch và tao nhã cho không gian sống. Mô hình này tuy đơn giản nhưng có tính ứng dụng cao, phù hợp với những không gian không quá rộng. Diện tích hạn chế nhưng vẫn muốn có điểm nhấn riêng thì Rustic là sự lựa chọn hoàn hảo hảo cho các homestay.

Đặc trưng thường thấy là những chiếc giường pallet đơn giản, giường tầng gỗ,… kết hợp với đá thô, chất liệu vải, những khung cửa sổ lớn và màu sắc tự nhiên. Sẽ có rất nhiều background check-in ấn tượng cho du khách.

Phong cách Bohemian rực rỡ, cá tính và đầy phá cách

Phong cách này luôn nổi bật nhờ sự xuất hiện của các họa tiết trang trí cầu kỳ như hoa văn thổ cẩm hay tua-rua; nhất là trên vỏ gối, chăn, đến tường, sàn nhà, cầu thang hay thậm chí cả những chiếc võng quen thuộc. Phong cách này gợi đến lối sống phóng khoáng, tự do và đầy sáng tạo. Tuy nhiên, khi thiết kế nên cân nhắc, lựa chọn các chi tiết điểm nhấn để tránh tạo cảm giác rối mắt.

Tươi mới cùng phong cách Minimalist

Minimalist chính là phong cách đi theo chủ nghĩa tối giản nhưng bằng việc sử dụng tông màu trắng chủ đạo nên mang đến cảm giác tươi mới, gọn gàng, hiện đại và tối ưu về mặt không gian. Phong cách này sẽ loại bỏ gần như những vật dụng không cần thiết, căn phòng tưởng chừng như đơn điệu nhưng thực chất, lại có sự bài trí khoa học, trả lại sự phóng khoáng, tự do. Phong cách này ưu ái cho những gam màu và nguồn ánh sáng tự nhiên.

Phong cách Industrial – “công nghiệp” mạnh mẽ

Đúng như chính tên gọi của phong cách này, Industrial homestay là những công trình có thiết kế mô phỏng lại hình ảnh của các nhà máy, công xưởng hay khu sản xuất nhưng ở góc nhìn đầy nghệ thuật, đặc trưng với những đường nét mạnh mẽ, dứt khoát, toát lên sự giản đơn và năng động, hiện đại.

Tông màu chủ đạo của phong cách này là trắng – xám – đen – nâu… hoặc phá cách hơn với các mảng tường sơn dở, decor độc – lạ, tuy trông có vẻ lộn xộn, đổ nát nhưng thực sự lại là sự sắp xếp có ý đồ, đầy táo bạo và lôi cuốn.

Ngoài ra, các homestay cũng có thể kết hợp giữa nhiều phong cách thiết kế để thêm phần ấn tượng, tuy nhiên cần cân nhắc yếu tố hòa hợp, ví dụ như Industrial với Rustic, Scandinavian hay Minimalism; nên tránh kết hợp với Vintage hoặc Bohemian.

Phong cách Industrial

Thủ tục đầu tư và kinh doanh homestay

Xây dựng homestay là bước đầu, tuy nhiên để đưa vào vận hành, nhà đầu tư cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Kinh doanh homestay khi chưa được phép không chỉ khiến mất đi uy tín của thương hiệu mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy về sau.

  • Các loại giấy tờ theo quy định hiện hành để đầu tư homestay gồm:
  • Giấy phép kinh doanh
  • Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy (PCCC)
  • Giấy chứng nhận An ninh trật tự
  • Đăng ký xếp thứ hạng homestay (nếu muốn)

Dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, hồ sơ – thủ tục thực hiện được quy định cụ thể như sau:

Với Giấy phép kinh doanh Homestay

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, gồm các nội dung: tên hộ kinh doanh kèm sđt và email; ghi rõ ngành nghề kinh doanh là “kinh doanh dịch vụ du lịch homestay”; số vốn kinh doanh, số lao động sử dụng; họ tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp thẻ CCCD/CMND của chủ hộ kinh doanh
  • Bản sao có công chứng CCCD/CMND của chủ hộ kinh doanh

Hồ sơ được nộp tại phòng đăng ký cấp huyện, đóng lệ phí và chờ kết quả (chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ và đúng hồ sơ)

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận PCCC

Chuẩn bị hồ sơ:

  • Văn bản thông báo về Cam kết đủ điều kiện an toàn về PCCC
  • Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và văn bản Nghiệm thu về PCCC tương ứng hoặc bản sao biên bản kiểm tra an toàn về PCCC
  • Bản thống kê các phương tiện PCCC tại cơ sở kèm theo danh sách những cá nhân đã qua huấn luyện về PCCC
  • Phương án chữa cháy khi gặp sự cố

Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, nộp cho Cục Cảnh sát PCCC thuộc Bộ Công an và chờ kết quả theo thời gian quy định.

Thủ tục Xin cấp Giấy chứng nhận An ninh trật tự

Chuẩn bị hồ sơ:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về anh ninh, trật tự
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Chứng nhận đầu tư/ đăng ký thuế
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC hoặc biên bản kiểm tra an toàn về PCCC
  • Bản khai lý lịch của chủ hộ kinh doanh hoặc người đại diện hợp pháp

Kết quả được trả trong thời gian không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không đủ điều kiện để được cấp giấy, cơ quan Công an sẽ có văn bản trả lời kèm nêu rõ lý do.

Thủ tục đăng ký xếp thứ hạng cho Homestay

Chuẩn bị:

  • Đơn đề nghị Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch
  • Bảng biểu đánh giá chất lượng homestay
  • Danh sách quản lý và nhân viên homestay
  • Bản sao có công chứng Giấy phép đăng ký kinh doanh
  • Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ của người quản lý homestay
  • Giấy xác nhận cam kết tuân thủ điều kiện về PCCC
  • Biên lai nộp lệ phí thẩm định

Những lưu ý quan trọng khác khi đầu tư homestay

Để kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất, đừng bỏ qua những kinh nghiệm đầu tư homestay được đúc kết từ thực tiễn dưới đây. Dù có thể là những chi tiết nhỏ trong tổng thể nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, chất lượng, doanh thu cho mô hình homestay.

Cân nhắc nguồn vốn đầu tư

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Tùy thuộc vào mục đích kinh doanh mà vốn bỏ ra có thể dao động từ thấp đến cao. Theo các chuyên gia, con số an toàn nhất nên rơi vào tầm 300 – 500 triệu đồng. Trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ có nhiều chi phí phát sinh, nhà đầu tư cần một khoản bù lỗ ở thời gian đầu.

Với khoản tiền nhất định mà mình có, khi bắt đầu 1 cơ sở kinh doanh, nhà đầu tư sẽ cần lên phương án chi tiết cho các khoản sau:

  • Tiền khảo sát + lên phương án thiết kế
  • Tiền cải tạo + Mua sắm trang thiết bị
  • Tiền cọc nhà + Thanh toán trước tiền nhà 3 – 6 tháng hoặc 1 năm (trường hợp đi thuê).
  • Tiền đăng ký các loại giấy phép cần thiết
  • Tiền dự trù chi phí đầu tư phát sinh (10%)
  • Tiền dự trù chi phí vận hành, marketing

Một ví dụ minh họa để các bạn dễ hình dung hơn.

  • Nhà nguyên căn 2 phòng ngủ: 70m2.
  • Giá thuê: 10tr/1 tháng. Không nội thất.
  • Thanh toán 6 tháng 1 lần, cọc 1 tháng.
  • Tiền khảo sát và lên phương án thiết kế: 150k/1m2

Như vậy, nguồn vốn ban đầu được phân bổ như sau:

  • Tiền khảo sát + lên phương án thiết kế: 150*70 = 10,5 triệu
  • Tiền cải tạo + Mua sắm trang thiết bị+ Chụp ảnh: 100 triệu
  • Tiền cọc nhà + Thanh toán trước tiền nhà: 70 triệu
  • Tiền đăng ký các loại giấy phép cần thiết: 5 triệu
  • Tiền dự trù chi phí đầu tư phát sinh (10%): 10 triệu
  • Tiền dự trù chi phí vận hành, marketing: 10 triệu

Tuy nhiên, cần lưu ý, với các nhà đầu tư mua đất xây mới homestay thì chi phí sẽ lớn hơn. Giá của bất động sản hiện nay đang biến động và phụ thuộc vào mặt bằng ở từng khu vực, tùy quy mô để nhà đầu tư tối ưu, cân nhắc lại số vốn của mình sao cho an toàn nhất.

Dành thời gian để nghiên cứu thị trường

Không riêng gì đầu tư homestay, để thành công với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, nhà đầu tư cũng cần phải nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng. Đặc biệt, thị trường homestay đang ngày một cạnh tranh hơn.

Nghiên cứu thị trường homestay về cơ bản cần có dữ liệu về:

  • Khách hàng mục tiêu: họ là ai, bao nhiêu tuổi, sở thích là gì, địa điểm sinh sống, nhu cầu ra sao,…
  • Số lượng homestay hiện có tại khu vực triển khai, hoạt động ra sao, tỷ lệ cạnh tranh như thế nào?
  • Xu hướng chung của thị trường đang thay đổi ra sao?
  • Khảo sát mức giá kỳ vọng của du khách
  • Các chính sách, quy định pháp luật về homestay có gì thay đổi hay không,..
  • Các công cụ quản lý homestay hiệu quả,…

Nhà đầu tư khi có đủ thông tin sẽ biết cách để lựa chọn phương án thiết kế cũng như hoàn thiện hồ sơ pháp lý, quản lý, vận hành homestay một cách tốt nhất.

Tuyển đội ngũ quản lý và nhân viên chất lượng cho homestay

Dù quy mô nhỏ hay lớn, các homestay bắt buộc phải có người đứng ra quản lý và nhân viên hỗ trợ, nhất là với những ai không có nhiều thời gian. Khi này, đội ngũ nhân viên sẽ là một phần không thể tách rời đối với uy tín, chất lượng của homestay. Nên ưu tiên tuyển người có kinh nghiệm, chuyên môn, có tinh thần nhiệt huyết và gắn bó lâu dài với công việc. Trong ngành dịch vụ, thì thái độ của nhân viên vô cùng quan trọng.

Đề cao tính trung thực trong kinh doanh

Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết, hiện nay, nhiều chủ homestay thường hay đăng trên các trang quảng cáo những hình ảnh về homestay quá lung linh, khác với những gì sở hữu trên thực tế. Có thể chủ homestay chưa nghĩ quá xa xôi, chỉ cho rằng bằng cách này sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ kéo theo sự mất niềm tin và những phản hồi không mấy tích cực, khiến lượng khách cũ không muốn ghé lại và khách mới cũng dè dặt.

Chuyên gia nhấn mạnh: “Nếu đầu tư lâu dài thì nhà đầu tư không nên làm những cái mang tính chất thời vụ“.

Tận dụng nguồn khách hàng từ nhiều kênh khác nhau

Ông Phan Công Chánh – chuyên gia BĐS cá nhân chia sẻ, để tăng hiệu quả kinh doanh, nhà đầu tư homestay có thể tận dụng nhiều nguồn khách hàng ở nhiều kênh, ví dụ như từ các công ty du lịch; nguồn khách cũ, cộng đồng sinh hoạt chung… Cách này giúp tăng cường lượng khách tìm đến cũng như duy trì ổn định nguồn khách hàng. Đặc biệt, phải giữ chân khách hàng bằng sự khác biệt trong trường hợp cùng khu vực có nhiều mô hình đầu tư tương đương.

Không ngừng “nâng cấp” tính độc đáo trong trải nghiệm

Nhiều nhà đầu tư xuống tiền vào homestay vì trào lưu, chạy theo xu hướng mà quên mất những đặc trưng của mô hình này. Vì sao nhiều du khách từ chối khách sạn, resort để tìm đến homestay? Chắc chắn là vì họ muốn có được sự trải nghiệm chân thực, đúng nghĩa với du lịch và khám phá cái mới, gần gũi hơn với văn hóa địa phương. Nhiều chủ homestay chú ý đến việc giảm giá để hút khách nhưng lại không quan tâm nâng cấp thứ mà khách hàng thực sự quan tâm.

Nguyên tắc để kinh doanh homestay hiệu quả và bền vững là cần cung cấp cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo, luôn có sự học hỏi và thay đổi cho phù hợp. Những mô hình như thăm ruộng lúa chín, hái hoa quả, xuống ao bắt cá… hay tự tay nấu nướng với những nguyên liệu họ tự tay thu hoạch được đã giúp không ít homestay “ăn nên làm ra”.

Đề cao tính độc đáo của homestay

Luôn đề cao yếu tố con người

Homestay ngoài là môi trường, còn là cầu nối giữa con người với con người. Theo các chuyên gia lâu năm, phải luôn ghi nhớ rằng con người là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đầu tư homestay. Vì vậy mà những nhân sự có ngoại ngữ tốt là một lợi thế, dù có tự động hóa đến đâu thì cũng không thể nào thay thế được sự gắn kết trên thực tiễn. Ngoài ra, người làm dịch vụ homestay cũng cần có những năng khiếu riêng, sao cho tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi như một gia đình. Đây cũng là yếu tố nên cân nhắc khi tuyển dụng đội ngũ quản lý và nhân viên.

Đầu tư vào gian bếp

Khác với khách sạn, resort xa hoa, sang trọng, những căn homestay có không gian ấm cúng nhờ vào các trải nghiệm thoải mái như ở nhà, nổi bật nhất chính là tự mình nấu nướng. Vì vậy, một căn bếp đẹp, đầy đủ tiện nghi cũng là cách để ghi điểm với khách hàng. Gian bếp là nơi thể hiện rất rõ không khí gia đình cũng như nét văn hóa đặc trưng của vùng miền. Đừng ngần ngại để đầu tư cho gian bếp của căn homestay.

Sử dụng các phần mềm quản lý

Thường thì các chủ homestay quy mô nhỏ (khoảng vài phòng) thường không có suy nghĩ rằng cần phải dùng đến phần mềm quản lý. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm và khiến cho mô hình khó có sự chuyên nghiệp.

Trước hết, sử dụng phần mềm giúp tối ưu hiệu quả quản lý từ xa, dành cho những homestay không thể có mặt 24/24 và phải thuê người quản lý. Thứ hai, sử dụng phần mềm giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính đồng bộ và tạo hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt khách hàng.Với các homestay quy mô lớn thì điều này lại càng không thể thiếu.

Đừng bỏ qua những kinh nghiệm đầu tư homestay hữu ích trong bài viết để có được sự thành công ở thị trường này.

Xem thêm: