Ai được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Tp. HCM? Có bắt buộc phải tiêm không? Khi nào được tiêm?… Tất tần tật các thắc mắc đó sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này.
Tính từ ngày 2/8, Tp. HCM đã tiêm được 920.329 liều vắc xin, hoàn thành mục tiêu đề ra cho đợt tiêm thứ 5 với 900.000 liều trong vòng 10 ngày (từ 22/7 đến 2/8). Bắt đầu từ ngày 3/8, thành phố bước vào đợt tiêm thứ 6, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2021 với mục tiêu đạt 250 người/đội/ngày (có 1.200 đội tiêm).
NỘI DUNG CHÍNH
- 1 Đối tượng nào được tiêm vắc xin Covid-19?
- 2 Người không có hộ khẩu thành phố và chưa đăng ký tạm trú thì có được tiêm vắc xin?
- 3 Từ chối tiêm vắc xin có bị xử phạt không?
- 4 Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 tại thành phố từ ngày 1/8?
- 5 Các loại vắc xin Covid-19 được sử dụng tại Tp. HCM?
- 6 Có được lựa chọn loại vắc xin Covid-19?
- 7 Bao giờ Tp. HCM hoàn tất việc tiêm vắc xin Covid-19?
Đối tượng nào được tiêm vắc xin Covid-19?
Ngày 30/7/2021, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM cho biết: Tất cả mọi người dân từ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn thành phố sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Trước đây, thành phố ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng sau: lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền,… Tuy nhiên trong thời gian tới, tất cả người dân đang sinh sống tại Tp. HCM đều được tiêm vắc xin, không giới hạn người tiêm.
Người không có hộ khẩu thành phố và chưa đăng ký tạm trú thì có được tiêm vắc xin?
Tp. HCM sẽ không phân biệt người dân có hộ khẩu thường trú hay tạm trú, chỉ cần đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố thì đều được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Đó là lời khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố trong buổi họp báo ngày 30/7.
Từ chối tiêm vắc xin có bị xử phạt không?
Trong danh mục các bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin bắt buộc thì hiện chưa bổ sung vắc xin Covid-19. Do vậy, vắc xin Covid-19 chưa phải là bệnh bắt cần phải tiêm chủng. Tuy nhiên, đối với các trường hợp cơ quan thẩm quyền có quy định yêu cầu bắt buộc người đủ điều kiện tiêm chủng phải tiêm chủng mà người đó từ chối thì mới bị xử phạt (từ 1 – 3 triệu đồng theo Điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 tại thành phố từ ngày 1/8?
Ngày 1/8, UBND thành phố ban hành công văn điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn thành phố như sau:
- Mọi người dân từ 18 tuổi đều được tiêm vắc xin nhưng sẽ ưu tiên cho người trên 65 tuổi, người bị bệnh nền mãn tính, lực lượng y tế tuyến đầu và các lực lượng tuyến đầu khác;
- Đối tượng ưu tiên sẽ được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, các đối tượng còn lại sẽ do địa phương tổ chức, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về độ tuổi (nhóm trên 50 tuổi, nhóm trên 35 tuổi, nhóm trên 18 tuổi);
- Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức tại các cơ sở tiêm chủng cố định như bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế,… và các điểm tiêm chủng lưu động;
- Có 1.200 đội tiêm với mục tiêu phấn đấu đạt 200 mũi tiêm/ngày/đội tiêm;
- Tại khu phong tỏa, căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, không để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi đang tiêm chủng;
- Huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức tiêm chủng;
- Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy năng lực tối đa của các điểm tiêm chủng;
- Sắp xếp thời gian và địa điểm tiêm chủng phù hợp, tránh tập trung đông người, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ;
- Vừa tiêm chủng vừa đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Các loại vắc xin Covid-19 được sử dụng tại Tp. HCM?
Hiện thành phố đang có 3 loại vắc xin gồm:
- AstraZeneca
- Moderna
- Pfizer
Ngày 31/7, thành phố có thêm 1 triệu liều vắc xin Sinopharm, tuy nhiên đang chờ Bộ Y tế thẩm định độ an toàn. Nếu kiểm định an toàn thì sau khi được cấp phép sẽ tiến hành tiêm bình thường.
Có được lựa chọn loại vắc xin Covid-19?
Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Bao giờ Tp. HCM hoàn tất việc tiêm vắc xin Covid-19?
Điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố chính:
- Nguồn tiêm vắc xin: Có 2 nguồn gồm: Một, do Bộ Y tế phân bổ, tiêm đến đâu hỗ trợ tới đó, đảm bảo trôi chảy và liên tục; Hai, do nguồn tài trợ.
- Tốc độ tiêm tại các quận, huyện và Tp. Thủ Đức: Điều này tùy thuộc vào từng khu vực, có nơi tiêm rất nhanh nhưng cũng có những nơi tiêm rất chậm, cần phải khắc phục trong thời gian tới. GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế Tp. HCM cho biết, thời gian tới, tùy vào điều kiện của từng địa phương mà kéo dài thêm thời gian tiêm, không chỉ tiêm 8 giờ/ngày mà có thể kéo dài từ 10 – 12 giờ/ngày. Đồng thời không giới hạn số lượng tiêm mỗi ngày, tổ chức tiêm chủng thêm buổi tối, huy động tối đa lực lượng y tế tham gia tiêm chủng, đảm bảo việc tiêm vắc xin tiếp cận được mọi ngách và mọi đối tượng.
Mục tiêu chính là tất cả người dân đang sinh sống, làm việc tại Tp. HCM từ 18 tuổi sẽ được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong tháng 8 sẽ cố gắng tiêm bao phủ được 2/3 người với ước tính 5 triệu liều. Trong thời gian đợi tiêm người dân không nên nôn nóng, hãy bình tĩnh ở nhà thực hiện tốt Chỉ thị 16, đợi sự sắp xếp của lãnh đạo quận, huyện, thành phố nơi mình sinh sống và chờ đến lượt đi tiêm.
Xem thêm: