Toàn tập kinh nghiệm đầu tư nhà đất hữu ích (cho người mới)

Toàn tập kinh nghiệm đầu tư nhà đất hữu ích (cho người mới)

Tổng hợp những kinh nghiệm đầu tư nhà đất mà người mới bắt đầu nên bỏ túi để xuống tiền an toàn và hiệu quả.

Đầu tư nhà đất đang trở thành lựa chọn được nhiều người quan tâm và đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Nhà đất mang tới sự bình ổn về giá trị theo thời gian, bởi lẽ nhu cầu an cư, mua đất xây nhà thời nào cũng có; càng về sau, nhu cầu càng cao, quỹ đất càng thu hẹp thì đây chính là nơi để tạo ra khoản lợi nhuận cho dòng vốn cực kỳ hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng chính bởi bề nổi của sức hút từ bất động sản khiến nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần bỏ tiền ra mua đất, mua nhà sẽ đồng nghĩa với luôn luôn có thể sinh lời. Điều này kéo theo hệ lụy là sự xuống tiền ồ ạt. Những người mới tham gia vào lĩnh vực này, nếu không nắm được quy luật thị trường rất dễ chôn vốn, thậm chí mất trắng bởi các rủi ro khó lường trước.

Vì vậy, muốn thực sự thành công và có thể làm giàu từ nhà đất, nhất định phải có kinh nghiệm đầu tư đất đai. Kinh nghiệm này đến từ trải nghiệm thực tế hoặc học hỏi từ người đi trước. Nếu bạn đang quan tâm bất động sản, muốn tạo ra lợi nhuận từ các loại hình đất nền, nhà ở,… thì nên đọc qua bài viết này – Kinh nghiệm đầu tư nhà đất dành cho người mới bắt đầu.

NỘI DUNG CHÍNH

Đầu tư nhà đất là gì?

Nhà đất, đất đai hay gọi theo chuyên ngành là bất động sản, là khái niệm chỉ chung đất đai cùng các tài sản khác gắn liền với đất, như công trình, tài nguyên, thực vật có trên đó. Nhà đất được chia thành nhiều loại dựa trên các tiêu chí khác nhau: bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở,…

Đầu tư nhà đất là những hành vi liên quan đến mua bán, quản lý, sở hữu, cải tạo, cho thuê,… bất động sản vì mục đích tạo ra lợi nhuận. Đầu tư nhà đất nói chung có thể thực hiện trên nhiều loại hình, hình thức khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính của nhà đầu tư. Nên hiểu rõ rằng, đầu tư khác với đầu cơ.

Đầu cơ có thể hiểu đơn giản là việc nắm giữ, mua, bán khống các loại tài sản dựa vào sự biến động giá trên thị trường, nhằm mục đích thu lợi lớn trong khoảng thời gian ngắn. Đầu cơ đòi hỏi người thực hiện phải thực sự có óc phân tích, hiểu biết về thị trường và dự đoán tốt các tình huống có thể xảy ra, chưa kể đến những yếu tố như vốn, mối quan hệ,…

Như vậy, đầu cơ nhà đất chính là mua vào lượng lớn đất đai, bất động sản để tích trữ rồi bán ra khi nhận thấy có thể đạt khoảng chênh lệch về giá tốt nhất. Đầu cơ nhà đất hiện nay đang dần phổ biến hơn, không chỉ ở thành phố mà ngay tại các thị trường vùng ven, gây ra nhiều hệ lụy lẫn biến động cho thị trường.

Các hình thức đầu tư nhà đất

Nhà đầu tư có thể lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu của mình. Kinh nghiệm đầu tư đất đai không chỉ ra ai nên chọn hình thức đầu tư nào bởi với mỗi lựa chọn sẽ có những ưu – nhược điểm riêng. Dù là người mới bắt đầu hay đã có “thâm niên”, các hình thức vẫn phát huy được thế mạnh nếu vận dụng đúng cách dựa trên sự hiểu rõ về bản chất.

Các hình thức đầu tư nhà đất

Hình thức đầu tư lãi vốn

Đầu tư lãi vốn gồm một số hình thức như:

  • Mua đất – xây nhà – bán;
  • Mua đất – phân lô – bán,
  • Mua đất – chờ tăng giá – bán;
  • Mua nhà – sửa chữa lại – bán…

Đặc trưng của hình thức này chính là chú trọng vào việc mua – bán nhà đất, tạo ra dòng lợi nhuận liên tục. Đây cũng là ưu điểm của đầu tư lãi vốn, tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhanh nhạy để nắm bắt thông tin, phân tích – phán đoán thị trường một cách chính xác.

Đầu tư dòng tiền

Có thể kể đến một số hình thức điển hình như: mua đất rồi xây nhà trọ để cho thuê, thuê nhà rồi cho thuê lại,… Doanh thu sẽ được tạo ra theo chu kỳ (tháng, quý, năm,…). Hình thức này khá phổ biến và được nhiều nhà đầu tư không chuyên ưa thích, phù hợp với năng lực tài chính và kinh nghiệm của họ.

Ưu điểm của hình thức đầu tư này là nhà đầu tư sẽ luôn có khoản lợi nhuận đều đặn theo tháng, dù không quá lớn (phụ thuộc vào giá trị bất động sản ban đầu) nhưng có tính ổn định cao. Tuy nhiên, để đầu tư dòng tiền, cá nhân cần phải tính toán đến chi phí hao mòn sản phẩm và thời gian thu hồi vốn.

Hình thức đầu tư kết hợp lãi vốn và dòng tiền

Kết hợp cả hai hình thức cũng là một lựa chọn khá hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn. Nhà đầu tư có thể mua đất, xây phòng trọ/xây nhà cho thuê trong khoảng thời gian vài năm; khi nhận thấy giá nhà đất tăng cao ở khu vực thì rao bán. Cách này vừa tạo ra khoản lợi nhuận lớn, vừa duy trì được một khoản thu nhập khác trong các năm; có cả lãi vốn và thu về dòng tiền.

Tương tự, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hoàn toàn có thể tận dụng để kết hợp cùng lúc, áp dụng cho các tòa nhà cao tầng, vừa đáp ứng nhu cầu để ở vừa khai thác được dưới góc độ thương mại.

Những loại hình nhà đất phổ biến trên thị trường

Việc nắm rõ các loại hình nhà đất cũng là một trong những kinh nghiệm đầu tư đất đai cần biết. Mỗi loại hình nhà đất tương ứng với giá trị, tiềm năng, cách khai thác sinh lợi khác nhau. Hiện nay, trên thị trường, phổ biến 10 loại hình nhà đất dưới đây.

Căn hộ chung cư: loại hình phù hợp và thịnh hành ở các thành phố lớn, khi quỹ đất ngày càng bị thu hẹp trong khi nhu cầu nhà ở không ngừng tăng lên. Thị trường căn hộ có sự phân hóa đa dạng, bao gồm căn hộ bình dân, căn hộ tầm trung và căn hộ cao cấp. Các dự án thường được xây dựng khép kín, tọa lạc tại những vị trí thuận tiện, đảm bảo cuộc sống hiện đại, tiện nghi. Căn hộ chung cư đầu tư cho thuê khá hiệu quả.

Nhà phố: so với căn hộ, nhà phố cũng có chỗ đứng không hề kém trên thị trường. Tuy không mới nhưng phù hợp với tâm lý số đông ưa nhà mặt đất của người Việt. Đặc biệt, nhà phố xây sẵn vùng ven với giá thành hợp lý đang là kênh thu hút dòng tiền của đông đảo nhà đầu tư.

Đất nền: là loại hình truyền thống, luôn được ưa chuộng ở các giai đoạn khác nhau trên thị trường. Đầu tư đất nền phù hợp cho cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn không chuyên, ít vốn lẫn nhiều vốn, khả năng sinh lợi cao, mang tính lâu dài. Đất nền vùng ven có sức hút rất lớn bởi nguồn cung và tầm giá.

Bất động sản nghỉ dưỡng: được xếp vào phân khúc cao cấp, có mối quan hệ chặt chẽ với du lịch. Là loại hình đòi hỏi số vốn lớn, am hiểu về thị trường, bất động sản nghỉ dưỡng hứa hẹn dòng lợi nhuận khủng và nguồn cầu đầy tiềm năng.

Shophouse: hay còn gọi là nhà phố thương mại, kết hợp giữa nhà ở và cửa hàng kinh doanh. Shophouse luôn có ưu thế về mặt tiền, giá cao nhưng tính thanh khoản cũng cao, doanh thu cho thuê cũng đạt từ 8 đến 12%/năm. Nguồn cung sản phẩm này khá hiếm nên trở thành lựa chọn “hot” trên thị trường.

Officetel: mô hình ở các thành phố lớn, kết hợp giữa căn hộ để ở với mục đích văn phòng, thích hợp cho những công ty quy mô nhỏ, muốn tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa thời gian làm việc.
Phòng trọ: loại hình truyền thống, dù ít được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về đầu tư chuyên nghiệp nhưng thực tế, phòng trọ luôn “cháy hàng”, có đầu ra lớn và lợi nhuận không hề thấp. Bất kể ở khu vực nào, nhu cầu thuê trọ cũng luôn lớn, đầu tư phòng trọ cho thuê có tính ổn định, tiềm năng phát triển cao.

Nhà xưởng: bất động sản công nghiệp thăng hoa, kéo theo nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi tăng nhanh. Giai đoạn này rất đông doanh nghiệp để mắt đến nhà xưởng xây sẵn nhằm tiết kiệm chi phí ban đầu và hạn chế các rủi ro. Vì giá thuê đất công nghiệp tăng cao nên loại hình này cũng mang lại mức lợi nhuận hấp dẫn.

Nâng cấp nhà cũ, nhà nát: với các nhà đầu tư ít vốn, mới tham gia đầu tư thì đây là loại hình được khuyến khích. Chi phí bỏ ra ban đầu thấp, sau tu bổ thường có giá bán cao, hoặc cho thuê cũng rất hợp lý.

Hoa viên nghĩa trang: khá mới mẻ và ít phổ biến nhưng nhanh chóng thu hút được sự chú ý vì những lợi nhuận thiết thực. Đầu tư vào hoa viên nghĩa trang mới có xu hướng phát triển ở các vùng lân cận Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Các kiểu nhà đầu tư thường gặp

Cách thức lên phương án đầu tư, sử dụng nguồn vốn và kiến thức sẽ phân hóa các kiểu nhà đầu tư, mang những điểm đặc trưng riêng.

Các kiểu nhà đầu tư

Nhà đầu tư lướt sóng

“Lướt sóng” chỉ hình thức đầu tư mang lại khoản lợi nhuận trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy người thực hiện phải rất nhạy với thông tin, ra quyết định nhanh chóng, nơi nào có hạ tầng đẹp, sản phẩm tốt, tiềm năng tăng giá, tăng nhiệt lớn,… là ngay lập tức có mặt. Đối với nhà đầu tư lướt sóng, họ không hề có khái niệm chờ đợi, họ mua vào và bán ra trong tích tắc, vô cùng liều lĩnh. Đây chính là những nhân vật khơi mào cho các cơn sốt nhà đất. “Máu lửa” là mô tả chính xác nhất về nhóm đầu tư lướt sóng.

Tuy nhiên, vì chớp nhoáng nên nhóm nhà đầu tư này rất ít khi chú ý đến yếu tố chiều sâu, thậm chí có tính ăn may, khó có thể đi đường dài. Họ chiếm số lượng lớn trên thị trường, tạo ra sự sôi động nhưng cũng là người đứng top đầu về rủi ro đầu tư.

Nhà đầu tư vốn lớn

Với số vốn lớn trong tay, những nhà đầu tư này có xu hướng mua nhiều hơn bán, nhắm đến biên độ lợi nhuận cao. Đối với họ, nếu không bán được theo kế hoạch thì có thể để dành bởi họ có thu nhập từ nhiều nguồn, từ nhiều loại hình và hình thức đầu tư bất động sản. Nhà đầu tư vốn lớn chia trứng thành nhiều giỏ, khá bình thản trong từng bước đi.

Nhà đầu tư quan sát

Đúng như tên gọi, nhóm này cực kỳ thận trọng, ngại rủi ro, thích những gì an toàn, rất sợ mất vốn nên họ chỉ quyết định khi cảm thấy chắc chắn. Họ biết cách thu thập, cập nhật thông tin, kiến thức để hiểu sâu rộng; họ cũng thích hoạt động khảo sát thực tế. Tuy nhiên vì cẩn trọng nên thành ra quá phòng thủ, dẫn đến tỷ lệ thành công khá thấp. Nhưng ưu điểm là khi xuống tiền, rủi ro dành cho nhóm này hầu như rất ít xảy ra.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp

Họ xem đầu tư nhà đất là một nghề thực thụ, có sự đầu tư về chuyên môn lẫn kỹ năng. Những người này còn có thể tư vấn, đưa ra lời khuyên cho những nhân tố mới. Nhà đầu tư chuyên nghiệp biết rõ sở trường của mình, có gu đầu tư riêng; mua khi thị trường xuống đáy và bán khi chạm đỉnh.

Nhóm nhà đầu tư này luôn đạt được biên lợi nhuận lý tưởng trong khi tỷ lệ thất bại rất thấp, một phần bởi hoạt động theo đội, nhóm, quỹ, không đi một mình và nói không với các quyết định bồng bột. Mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của họ, trang bị đầy đủ trước khi bước vào thực hiện.

Kinh nghiệm đầu tư nhà đất nên bỏ túi khi mới bắt đầu

So với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, người mới đầu tư đất đai thường gặp khó khăn vì chưa bao quát được tình hình thị trường, bỡ ngỡ với các khái niệm về chiến thuật, chiến lược. Bên cạnh trang bị những kiến thức cần có ở trên, nhà đầu tư mới cũng cần chọn cho mình chiến lược phù hợp.

Bắt đầu với tư cách là nhà đầu tư thụ động

Đối với những người còn non kinh nghiệm, khởi đầu bằng việc tạo ra các thu nhập thụ động từ bất động sản là phương án lý tưởng, đơn giản và dễ thực hiện nhất. Sự hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức thị trường sẽ rất khó để có những “phi vụ” lớn, đòi hỏi chiến thuật, kế hoạch dài hơi. Vì vậy, để làm quen, bạn có thể thử từ các mô hình như cho thuê đất, cho thuê nhà hoặc thông qua quỹ tín thác đầu tư bất động sản.

Hợp tác cùng những người có kinh nghiệm

Họ có thể là nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nhóm 4 kiểu kể trên, hoặc là các chuyên gia, nhà tư vấn về bất động sản. Hình thành mối quan hệ với những người này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc, hiểu được mấu chốt vấn đề, đưa ra quyết định hợp lý. Gọi là hợp tác nhưng về bản chất là tạo ra sự gắn bó mà ở đó, bạn có thể học hỏi về lý thuyết lẫn các tình huống thực tế.

Tham gia khóa đào tạo/lớp học về đầu tư nhà đất

Nhiều người không đánh giá cao việc tham gia các khóa học vì cho rằng chúng sáo rỗng, chỉ là kiến thức suông. Tuy nhiên, các lớp học được tổ chức bởi những nhà môi giới uy tín, những chuyên gia nghiên cứu về thị trường nhà đất lại là giải pháp lý tưởng trong trường hợp bạn không thể hợp tác làm ăn cùng người có kinh nghiệm. Những gì được truyền đạt trong các khóa học này đều là trải nghiệm thực tiễn mà “giáo viên” có được, bám sát vào các xu hướng đang diễn ra.

Hạn chế tối đa rủi ro tài chính cá nhân

Chưa có kinh nghiệm đồng nghĩa với việc luôn ưu tiên những bước đi mang tính an toàn nhất, cụ thể là hãy bắt đầu với các khoản đầu tư giá trị nhỏ trước khi nghĩ đến kế hoạch lớn hơn. Chọn loại hình, hình thức đầu tư “vừa vặn” với khả năng của mình, khoản lợi nhuận ban đầu có thể không nhiều nhưng vẫn phản ánh được hiệu quả, làm bước đệm cho giai đoạn tiếp theo.

Rất nhiều người thường ít để tâm đến kinh nghiệm này vì họ cho rằng có thể sử dụng các đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, việc vay tiền để đầu tư không được khuyến khích, gánh nặng lãi suất sẽ tạo thêm áp lực vô hình. Nếu có, mức vay không nên vượt quá 50% số tiền được sử dụng cho đầu tư.

Mở rộng cơ hội ở những thị trường mới

Tập trung vào một khoản đầu tư nhỏ là lời khuyên dành cho các nhà đầu tư non tay nhưng không có nghĩa, chỉ hoàn toàn tập trung vào chúng. Việc khảo sát, không ngừng tìm kiếm ở các khu vực địa lý khác có thể mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn bất ngờ.

Hiện đại hóa công việc đầu tư

Đầu tư nhà đất cũng đang dần bắt nhịp với xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu, vì vậy, để bắt nhịp, bạn cần tìm hiểu, có sự quan tâm và cập nhật một số ứng dụng hữu ích cho công cuộc đầu tư.

Chọn mua nhà đất có tính thanh khoản cao

Tính thanh khoản là khả năng bán ra của nhà đất, đối với nhà đầu tư mới, họ rất lo ngại về khả năng sinh lợi, hay cụ thể là tìm được nguồn đầu ra như kỳ vọng. Vì vậy, ngay từ đầu nên ưu tiên chọn những loại hình, hình thức có thể cho thuê hoặc bán được trong thời gian ngắn.

Nắm rõ quy luật trắc địa

Trong trắc địa, vấn đề quan trọng thường được nhắc đến chính là giá đất phải cao hơn giá nhà. Những ai có ý định tìm kiếm kinh nghiệm đầu tư đất đai cần đặc biệt lưu ý đến điều này. Cụ thể, những nơi có giá của 1m2 đất cao hơn ít nhất 2 lần so với 1m2 giá xây dựng nhà là nơi đang để cân nhắc. Tiêu chí này có thể phần nào đánh giá được tốc độ đô thị hóa, sẽ tác động đến tính thanh khoản và giá trị nhà đất theo thời gian.

Kinh nghiệm đầu tư nhà đất

Những rủi ro nên biết khi đầu tư nhà đất

Kinh nghiệm đầu tư nhà đất không chỉ gói gọn ở các chiến lược, cách lựa chọn loại hình, hình thức phù hợp mà còn nằm ở khả năng dự đoán, nhận diện rủi ro. Những bất trắc xảy ra trong đầu tư đất đai vốn rất khó lường trước, tiềm ẩn ở nhiều dạng khác nhau.

Rủi ro về giải phóng mặt bằng

Không riêng gì nhà đầu tư mới, ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nghiệp lớn cũng luôn cân nhắc về rủi ro này; tìm kiếm được quỹ đất sạch trong bối cảnh hiện nay không phải là điều dễ dàng, chưa kể đến những đối tượng khác tranh thủ trục lợi. Liên quan đến giải phóng mặt bằng có rất nhiều chi phí phát sinh: giá đất tăng, chủ đất yêu sách, các loại thuế, khoản dự phòng,…

Rủi ro về hạ tầng và môi trường

Hạ tầng xuống cấp, môi trường ô nhiễm, hạn chế về tiện ích có thể làm giảm đáng kể giá trị của nhà đất và ngược lại. Yếu tố hạ tầng, môi trường phải thông qua khảo sát thực tế để nhận biết, tuy nhiên, đôi khi lại cần có thời gian và buộc nhà đầu tư cần nhạy bén quan sát. Tuy nhiên, tốc độ hoàn thiện hạ tầng lại không do cá nhân hay doanh nghiệp quyết định, chúng phụ thuộc phần lớn vào ngân sách và chính sách phát triển tại địa phương.

Rủi ro về chính sách

Các chính sách về thuế, ngân hàng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản mới sửa đổi… ít nhiều đều ảnh hưởng đến quá trình đầu tư nhà đất. Những vướng mắc nhỏ cũng có thể khiến diễn biến trên thị trường thay đổi.

Rủi ro về lãi suất

Trường hợp vay để đầu tư, những thay đổi về lãi suất có thể khiến bài toán tài chính bị ảnh hưởng, hiệu quả đầu tư cũng “xê dịch” không nhỏ. Lãi suất ở Việt Nam vẫn còn quá cao so với các nước, điều chỉnh lãi suất thả nổi,… là những bất lợi cho nhà đầu tư.

Rủi ro về đối thủ cạnh tranh, mất cân đối cung cầu

Khi có quá nhiều đối thủ trong cùng phân khúc dễ khiến cung vượt cầu, tính thanh khoản giảm và lợi nhuận cũng không còn khả quan. Việc xuống tiền vào đầu phải khảo sát kỹ tình hình thị trường tại khu vực đó.

Rủi ro về kiến trúc phong thủy

Phong thủy nhà đất ngày càng được coi trọng, trở thành yếu tố không thể bỏ qua trong việc lựa chọn và đánh giá giá trị bất động sản. Những bất động sản có vấn đề về phong thủy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, khả năng bán ra, chưa kể đến ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư nếu có ý định sử dụng cho cá nhân,…

Rủi ro về năng lực tài chính của chủ đầu tư

Việc xuống tiền cho các dự án được triển khai bởi doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích, giá trị vượt trội nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro dưới góc độ năng lực. Đáng lo ngại nhất là khi nguồn vốn doanh nghiệp gặp vấn đề, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, nhà đầu tư chắc hẳn phải lao đao, nhất là ai vốn mỏng, phải sử dụng đòn bẩy tài chính,…

Rủi ro về tính phù hợp của sản phẩm

Không ít nhà đầu tư, thậm chí là cả doanh nghiệp bỏ qua khâu nghiên cứu thị trường, dẫn đến các ý tưởng không theo kịp xu hướng hay thỏa mãn nhu cầu trên thực tế. Nếu nhà đầu tư chọn xuống tiền cho những sản phẩm này thì vô tình ôm trong tay rủi ro.

Rủi ro về năng lực quản lý dự án

Rủi ro này thường gặp phải khi các chủ dự án chọn tự thực hiện tất cả công tác quản lý dự án, không thông qua bất kỳ một đơn vị chuyên nghiệp nào. Những quyết định theo cảm tính có thể tạo ra rủi ro về chất lượng, tiến độ và cả chi phí phát sinh. Không chỉ doanh nghiệp “chịu đòn” mà nhà đầu tư non tay khi gặp trường hợp này cũng rất dễ chông chênh với sản phẩm đã xuống tiền.

Rủi ro về năng lực vận hành bất động sản hay hậu mãi.

Sẽ là điều không may khi nhà đầu tư gặp phải các dự án mà doanh nghiệp không/chưa từng có kinh nghiệm vận hành tòa nhà hay quản lý chuyên nghiệp. Chất lượng dịch vụ không đảm bảo khai thác hết tiềm năng cũng như hiệu quả kinh doanh bất động sản. Điều này sẽ thường hay bắt gặp ở các dự án chung cư, tòa nhà cao tầng. Rủi ro sẽ phát sinh khi những mâu thuẫn, tranh chấp giữa nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng nảy sinh từ đây. Uy tín, thương hiệu của dự án bị ảnh hưởng, nhà đầu tư cũng không tránh khỏi tổn thất.

Kinh nghiệm đầu tư nhà đất đòi hỏi các cá nhân có sự tìm hiểu một cách nghiêm túc, trước khi bắt tay vào làm giàu, phải tường tận các vấn đề cốt lõi cơ bản của thị trường đó. Nhà đất là lĩnh vực đầy sức hút nhưng không loại trừ rủi ro, người mới bắt đầu cần thận trọng trong từng bước đi để đạt được hiệu quả đầu tư tốt nhất.

Xem thêm: