Kinh nghiệm đầu tư quán ăn rất cần thiết để những người mới bước chân vào lĩnh vực này biết được cách thu hút khách, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Kinh doanh quán ăn là một lĩnh vực không mới nhưng luôn duy trì được độ “hot” của mình. Đó là lý do hiện nay nhiều người đã chọn đầu tư quán ăn để khởi nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh những quán ăn mới được “mọc” lên như nấm sau mưa thì có không ít các quán ăn phải sang nhượng, đóng cửa ngay sau đó. Điều này cho thấy đây là một lĩnh vực dễ mở nhưng cũng dễ đóng. Nếu như không biết cách quản lý, vận hành thì bạn khó có thể tồn tại giữa thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Nếu bạn có ý định đầu tư vào quán ăn thì đừng tiếc bỏ ra 2 phút để đọc hết những chia sẻ trong bài viết này. Dưới đây là tất tần tật những kinh nghiệm quý báu trong kinh doanh quán ăn sẽ giúp bạn biết được nên làm gì, không nên làm gì.
NỘI DUNG CHÍNH
- 1 Có nên đầu tư vào quán ăn không?
- 2 Khởi nghiệp kinh doanh ăn uống cần những gì?
- 3 Kinh nghiệm đầu tư quán ăn hiệu quả nhất
- 3.1 – Nắm vững nguyên tắc kinh doanh quán ăn
- 3.2 – Lập kế hoạch kinh doanh cụ thể
- 3.3 – Nên bắt đầu kinh doanh từ quán ăn nhỏ
- 3.4 – Trau dồi kỹ năng nấu nướng
- 3.5 – Nâng cao chất lượng phục vụ
- 3.6 – Đa dạng hóa dịch vụ
- 3.7 – Giữ giá bán trong khoảng cho phép
- 3.8 – Để ý đến phong thủy quán ăn
- 3.9 – Định hình thương hiệu riêng
- 3.10 – Những miễn phí nên có
- 3.11 – Marketing cho quán ăn
- 3.12 – Chăm sóc khách hàng thật tốt
- 4 Tổng kết
Có nên đầu tư vào quán ăn không?
Có lẽ bạn đã có sự tìm hiểu sơ bộ về thị trường và nhận thấy sự phù hợp giữa bản thân với lĩnh vực kinh doanh thì mới quyết định chọn lĩnh vực này. Tuy nhiên, bạn đã thực sự nhìn rõ bề nổi và bề chìm của lĩnh vực chưa? Đó chính là ưu và nhược điểm của kinh doanh quán ăn, để nhìn vào đó bạn sẽ biết được ngành nghề này có phù hợp với mình hay không.
– Ưu điểm
- Vốn ít: Tùy vào loại hình quán ăn bạn lựa chọn mà quyết định chi phí sẽ hết bao nhiêu. Nhìn chung, đối với quán ăn bình dân thì chi phí sẽ dao động trong khoảng trên dưới 100 triệu. Đối với các quán ăn nhỏ lẻ thì chi phí còn thấp hơn, có những quán chỉ cần 10 – 20 triệu đã có thể “ăn nên làm ra”.
- Nhu cầu cao: Mặc dù đây là ngành có tính cạnh tranh lớn nhưng “trăm người bán, vạn người mua”, nhu cầu luôn luôn ở mức cao. Ăn uống là một trong những nhu cầu lớn nhất của con người mà không có điều gì có thể thay đổi được, vì vậy bạn không lo thiếu khách hàng (mà chỉ sợ khách hàng không chọn bạn mà thôi).
- Dễ thực hiện: So với các lĩnh vực đầu tư khác như đầu tư nhà đất, đầu tư căn hộ, đầu tư bể bơi, đầu tư khách sạn, đầu tư phòng gym,… thì đầu tư vào quán ăn đơn giản hơn nhiều (chi tiết cách đầu tư sẽ được chia sẻ ở phần 2 của bài viết).
- Không đòi hỏi nhiều về trình độ: Minh chứng cụ thể nhất là bạn có thể thấy rất nhiều quán ăn của ông chú, bà lão mặc dù họ không học cao hiểu rộng nhưng nhờ vào bí quyết nấu nướng mà họ đã thu hút khách trong suốt bao nhiêu năm.
– Nhược điểm
- Cạnh tranh lớn: Mặc dù “trăm người bán, vạn người mua” như nói trên nhưng nếu bạn không biết cách kinh doanh, món ăn của bạn không có gì đặc sắc thì bạn sẽ sớm bị “đào thải”.
- Lợi nhuận thấp, thu hồi vốn lâu: Lợi nhuận của một món ăn rơi vào khoảng 10.000 – 30.000 đồng/món. Nếu không thể thu hút một lượng khách cực kỳ đông thì doanh thu mỗi ngày không cao, kéo theo khả năng thu hồi vốn chậm.
- Vất vả, cực nhọc: Nếu bạn kinh doanh quán ăn nhỏ và bạn sẽ phải làm tất tần tật những công việc như nấu nướng, dọn dẹp, phục vụ,… thì bạn sẽ phải dậy thật sớm, vất vả làm lụng tới khuya và đi ngủ với cơ thể mệt mỏi, đau nhức. Nhưng nếu những công việc đó đều thuê người làm thì lợi nhuận của bạn sẽ bị thu nhỏ lại.
– Lời khuyên
Với ưu và nhược điểm nói trên, vậy có nên đầu tư vào quán ăn hay không?
Sẽ không có câu trả lời chung cho mọi người mà tùy thuộc vào từng trường hợp để đưa ra những quyết định khác nhau.
Nếu bạn có một số vốn nhất định, cộng với khả năng nấu nướng đỉnh cao thì nên thử sức ở lĩnh vực này.
Nếu bạn có nhiều vốn hơn, không am hiểu nhiều về nấu nướng thì nên cân nhắc thật kỹ. Ngoài quán ăn thì còn rất nhiều các lĩnh vực khác để bạn tham khảo như: đầu tư quán net, đầu tư quán cafe, đầu tư sân cỏ nhân tạo, đầu tư nhà trọ, đầu tư homestay,… Hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định!
Khởi nghiệp kinh doanh ăn uống cần những gì?
– Xác định mô hình kinh doanh và đối tượng khách hàng
Có nhiều mô hình kinh doanh quán ăn và việc bạn cần làm đầu tiên là xác định được mô hình mình thực hiện:
- Quán ăn vặt kết hợp với giao hàng online
- Quán ăn sáng
- Quán ăn chay
- Quán ăn đêm
- Quán ăn nhanh
- Quán ăn vỉa hè
- Quán ăn gia đình
Tiếp đó, bạn cần biết đối tượng khách hàng mình hướng đến là ai để chọn địa điểm, món ăn, giá bán và tiếp thị phù hợp. Liên quan đến đối tượng, bạn cần biết:
- Khách hàng của bạn cụ thể là ai: Gia đình, học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng, người lao động trong khu công nghiệp,…?
- Khách hàng ở quê hay thành phố?
- Nhu cầu của khách hàng khi vào quán ăn của bạn là gì?
– Dự tính chi phí
Bạn cần phải biết được kinh doanh quán ăn cần bao nhiêu vốn, dù là quán ăn nhỏ thì bạn cũng phải tính toán thật kỹ để ra được con số cụ thể nhất. Sau khi tính toán xong nếu vốn không đủ thì bạn phải tìm cách xoay xở cho đủ, tránh tình trạng đang thực hiện thì phát hiện ra số tiền mình có không đủ để tiếp tục đầu tư cho quán ăn nữa.
Cụ thể, kinh doanh quán ăn sẽ cần chi cho các khoản phí sau:
- Phí mặt bằng: từ 5 – 10 triệu/tháng (tùy địa điểm và quy mô).
- Phí nguyên vật liệu: từ 1 – 3 triệu/ngày.
- Phí nhân viên (nếu có): 2 – 3 triệu/người/ca.
- Phí trang trí: 2 – 3 triệu.
- Phí vật dụng: 10 – 30 triệu (tùy quy mô).
- Phí điện, nước, internet,…: từ 2 – 3 triệu/tháng.
- Phí thuế và các chi phí phát sinh khác: 3 – 5 triệu/tháng.
Tổng cộng, bạn sẽ cần phải có từ 70 – 100 triệu vốn ban đầu để mở quán ăn.
Ngoài vốn ban đầu bỏ ra, bạn cần có thêm vốn dự phòng để xoay xở những tháng đầu khi chưa có lợi nhuận.
– Tìm kiếm mặt bằng
Mặt bằng trong bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào cũng đều quan trọng, nó quyết định phần lớn đến khả năng thu hút khách hàng. Nếu bạn có quán ăn đặt ở vị trí đẹp thì bạn sẽ có được lợi thế hơn hẳn đối thủ xung quanh, đồng thời khắc phục được một số nhược điểm của quán (nếu có) như quy mô nhỏ, món ăn không được đa dạng,…
Khi tìm kiếm mặt bằng cho quán ăn, bạn cần lưu ý đến các vấn đề sau:
- Quy mô mặt bằng: Hãy ước lượng số bàn phục vụ, công suất phục vụ tối đa để tìm kiếm diện tích phù hợp, tránh quá rộng gây lãng phí hay quá nhỏ gây bí bách, chật chội.
- Giao thông thuận lợi: Xem xét kỹ lưu lượng giao thông qua lại hàng ngày, người đi đường có dễ nhìn thấy, vị trí quán có tiện để dừng xe, đậu xe hay quay đầu,…
- Quán ăn xung quanh: Bạn cần xem xét, tính toán sự ảnh hưởng của các quán ăn xung quanh đến quán của bạn. Không phải mọi quán ăn trong khu vực đều là đối thủ của bạn, mà có khi những quán ăn đó cùng với bạn đã, đang hoặc sẽ tạo thành một chuỗi liên kết hình thành khu vực tập trung các quán ăn. Nếu vậy thì đó là lợi thế. Nhưng nếu không thể hình thành chuỗi liên kết thì bạn cần tìm kiếm mặt bằng ở những nơi có ít quán ăn hoặc có ít quán ăn kinh doanh mô hình giống bạn.
- Những vấn đề về quy hoạch: Cần tìm hiểu kỹ xem vị trí mà bạn chọn có nằm trong quy hoạch hay không, vì nó ảnh hưởng đến sự ổn định và thời gian hoạt động của cửa hàng. Nếu nằm trong quy hoạch thì sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải di dời.
- Những vấn đề khác: Liên quan đến vị trí của mặt bằng bạn nên tìm hiểu kỹ về tình hình an ninh trong khu vực, vị trí gần hay xa trung tâm, các lợi thế của vị trí,…
– Trang trí mặt bằng
So với quán cafe thì quán ăn không đòi hỏi cao về mặt trang trí. Thực tế cũng cho thấy có nhiều quán ăn dù mặt bằng không có gì nổi bật nhưng nếu món ăn ngon thì khách hàng vẫn đông nườm nượp.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa rằng bạn không cần trang trí. Bởi vì nếu bạn biết cách trang trí thì đây sẽ là điểm cộng giúp quán ăn của bạn thu hút và giữ chân khách hàng. Nhưng quán ăn thì nên trang trí như thế nào?
Dưới đây là một số gợi ý:
- Thể hiện sự sạch sẽ, gọn gàng;
- Trang trí phù hợp với đối tượng khách hàng hướng đến;
- Phong cách trang trí thể hiện đặc trưng của món ăn;
- Tự thiết kế để tạo nên tính độc đáo, đồng thời tiết kiệm chi phí;
- Bố trí nội thất hợp lý để tạo không gian và lối đi thoải mái;
- Bố trí không gian phù hợp để tạo sự tách biệt và điểm nhấn (đặc biệt khu vực nấu nướng phải tách biệt với khu vực ăn uống).
> Thiết kế quán ăn bình dân trọn gói tại Pendecor.vn
– Tìm nguồn hàng chất lượng
Nguồn hàng ảnh hưởng đến chi phí và chất lượng món ăn vì vậy đây là một trong những việc bạn cần phải chuẩn bị kỹ trước khi mở quán. Mục đích của việc làm này là để tìm được một nơi cung cấp nguồn hàng ổn định, giá rẻ nhưng phải đảm bảo chất lượng. Muốn vậy, bạn có thể:
- Mua tại các chợ đầu mối;
- Mua tận gốc nơi nuôi trồng.
Khi đã tìm được nơi cung cấp nguồn hàng phù hợp, bạn cần duy trì mối quan hệ này để gắn bó lâu dài. Khi đã gắn bó thì bạn sẽ có được các quyền lợi như:
- Mua với giá rẻ hơn
- Có thể khất nợ cho những lần sau
- Đảm bảo chất lượng của nguồn hàng
- Nguồn hàng ổn định, luôn có khi bạn cần.
Nếu chỉ bán một món duy nhất thì bạn không cần đến menu, nhưng nếu có thêm nhiều món thì bạn nên thiết kế menu để:
- Khách hàng dễ dàng lựa chọn món ăn
- Giới thiệu và quảng cáo món ăn
- Định vị thương hiệu
- Thể hiện giá cả.
Đối với menu quán ăn, bạn nên thiết kế như sau:
- Đưa món ăn hấp dẫn lên vị trí thu hút tại menu
- Lựa chọn màu sắc bắt mắt, kích thích vị giác như màu đỏ, cam, vàng, nâu đỏ,…
- Nhấn mạnh vào màu sắc và họa tiết của món ăn
- Hình ảnh món ăn nên chân thực, sắc nét, có điểm nhấn
- Dùng ngôn ngữ hấp dẫn để miêu tả món ăn (có thể là những cái tên hấp dẫn hoặc gây tò mò)
- Công khai giá cả nhưng sử dụng con số khéo léo (0.95, 0.98 hay 0.99 là những con số thông minh nên được sử dụng làm số kết thúc thay vì số chẵn).
– Tuyển và đào tạo nhân viên
Nhân viên là một trong những thành phần quan trọng quyết định đến sự thành công của hoạt động kinh doanh. Vì vậy nếu quán của bạn cần có nhân viên thì không thể bỏ qua khâu tuyển chọn, đào tạo nhân viên thật kỹ càng.
Đối với tuyển nhân viên, bạn có thể:
- Chọn người nhanh nhẹn, biết nắm bắt công việc
- Luôn giữ thái độ hiếu khách, thân thiện với khách hàng.
Muốn nhân viên cống hiến hết mình thì bạn cũng phải chi trả cho nhân viên thật xứng đáng. Ngoài tiền lương thì đừng quên đối xử tốt với nhân viên, có như vậy thì họ mới có tâm trạng để đối xử tốt với khách hàng của bạn.
Song song việc xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng thì bạn cũng cần xây dựng mối quan hệ tốt với nhân viên vì họ chính là người trực tiếp tiếp xúc và phục vụ khách hàng. Sự hài lòng hay khó chịu của khách hàng đa phần xuất phát từ thái độ phục vụ của nhân viên mà ra. Không một ai có thể làm việc hết mình, luôn vui vẻ, mỉm cười khi mà trong lòng họ đang nặng trĩu những lo âu và bực dọc cả, thì nhân viên của bạn cũng như vậy. Hãy để họ được thoải mái và vui vẻ khi làm việc thì họ sẽ mang năng lượng đó truyền đến những vị khách của bạn.
– Sắm sửa vật dụng
Những vật dụng cần thiết khi mở quán ăn bao gồm:
Bên trong quán, cần có:
- Bếp nấu
- Nồi, chảo
- Tô, chén, đĩa
- Đũa, muỗng
- Ly uống nước
- Bàn ghế ngồi
- Menu
- Gia vị trên bàn ăn
- Quạt, máy lạnh
- Tủ lạnh, tủ đông
Bên ngoài quán, cần có:
- Bảng hiệu
- Mái hiên di động
– Tìm hiểu và thực hiện các thủ tục pháp lý
Theo quy định của pháp luật, khi mở quán ăn bạn cần phải thực hiện các thủ tục sau:
- Đăng ký kinh doanh theo quy định;
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh (hợp đồng thuê nhà);
- Xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Xin giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy;
- Xin giấy phép kinh doanh bán lẻ bia, rượu nếu có.
Kinh nghiệm đầu tư quán ăn hiệu quả nhất
– Nắm vững nguyên tắc kinh doanh quán ăn
Dưới đây là những nguyên tắc “sống còn” bắt buộc người kinh doanh quán ăn (cả cũ lần mới) đều phải nắm vững nếu muốn tồn tại trong nghề này:
- Địa điểm quan trọng hơn kích thước cửa hàng, nhưng chất lượng món ăn mới quyết định tất cả.
- Khách hàng bỏ ra 1 đồng với khách hàng bỏ ra 100 đồng đều phải được đối xử như nhau.
- Chấp nhận chịu thiệt để làm hài lòng khách, bạn sẽ nhận được giá trị gấp mấy lần sự thiệt thòi đó.
- Hãy niềm nở, đối xử tốt với khách hàng là trẻ em – những người được ví bằng sự may mắn dù sự có mặt của họ có thể khiến quán của bạn hơi ồn ào, lộn xộn đôi chút.
- Lắng nghe và ghi nhận mọi đóng góp, ý kiến của khách hàng. Không đôi co, tranh cãi dù người sai là khách hàng. Bởi vì sau lần tranh cãi, dù thắng hay thua thì bạn cũng đã mất đi khách hàng.
- Đừng để tình trạng thiếu hụt, chờ đợi quá lâu diễn ra tại quán ăn của bạn, dù cho quán của bạn có đông khách đến thế nào đi chăng nữa.
- Luôn luôn thu hút khách hàng mới nhưng đừng quên chăm sóc khách hàng cũ.
- Chăm sóc nhân viên thật tốt vì họ chính là người mang đến sự hài lòng hoặc thất vọng cho khách hàng, đồng thời nhân viên còn là kênh quảng cáo cực kỳ hiệu quả nếu như tình cảm họ dành cho bạn và quán ăn được tốt.
– Lập kế hoạch kinh doanh cụ thể
Dù là quán ăn nhỏ thì bạn cũng phải lập kế hoạch kinh doanh. Một kế hoạch đầy đủ và bài bản sẽ giúp bạn:
- Vạch được đường đi nước bước rõ ràng, dễ dàng quản lý hơn
- Giúp bạn đánh giá được thị trường và đối thủ một cách chính xác nhất
- Giảm rủi ro trong kinh doanh, cũng như quản lý chi phí một cách tốt nhất
- Đề ra các chiến lược phù hợp với mô hình kinh doanh
- Tìm ra được các ý tưởng độc đáo, mới lạ trong quá trình lập kế hoạch này.
Và kế hoạch đó nên được thực hiện theo từng bước sau:
- Bước 1: Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu
- Bước 2: Xác định nguồn vốn mình có và cần có
- Bước 3: Đặt tên thương hiệu
- Bước 4: Tìm mặt bằng kinh doanh phù hợp
- Bước 5: Tuyển chọn, đào tạo nhân viên (nếu có)
- Bước 6: Thiết kế menu chuyên nghiệp, hấp dẫn
- Bước 7: Tìm kiếm và sử dụng các công cụ hỗ trợ kinh doanh
- Bước 8: Tiếp thị, quảng bá cho quán ăn
- Bước 8: Chăm sóc khách hàng.
– Nên bắt đầu kinh doanh từ quán ăn nhỏ
Dù cho bạn có nhiều vốn như thế nào đi chăng nữa thì cũng không nên ngay lập tức đầu tư một quán ăn lớn, trừ khi bạn muốn thực hiện mô hình nhà hàng. Còn quán ăn thì chỉ cần một không gian vừa đủ là được. Khách hàng sẽ không vì quán ăn của bạn lớn hay nhỏ mà lựa chọn, mà họ có chọn bạn hay không phụ thuộc phần lớn và chất lượng món ăn tại quán bạn.
Có thể bạn nghĩ, quán ăn nhỏ không thể hiện được sự chuyên nghiệp của bạn, nhưng bạn lại không biết rằng lợi thế của quán ăn nhỏ đó là:
- Tiết kiệm chi phí;
- Tạo cảm giác quán luôn đông khách (là một trong những yếu tố tác động đến tâm lý của khách hàng, nhìn vào họ sẽ nghĩ chắc quán bán đồ ăn ngon lắm mới có nhiều khách như vậy);
- Tạo cảm giác quán ăn bình dân, giá rẻ (quán trông càng bề thế, quy mô càng khiến khách hàng nghĩ rằng giá bán cũng thuộc dạng cao cấp).
– Trau dồi kỹ năng nấu nướng
Dù bạn có phải là người đứng bếp nấu nướng hay không thì bạn cũng nên là người am hiểu và có kỹ năng nấu nướng. Trước khi quyết định sẽ đầu tư vào quán ăn thì có lẽ bạn phải là người biết nấu nướng hoặc có người cộng sự biết nấu nướng. Tuy nhiên, nấu nướng trong gia đình khác với nấu nướng để phục vụ khách hàng. Món ăn nấu ra phải đảm bảo được các tiêu chí:
- Chất lượng
- Ổn định
- Vượt trội
Muốn vậy, ngoài khả năng và đam mê của bản thân, bạn còn phải tham gia các khóa học để:
- Có kiến thức nền tảng
- Tránh được các sai sót trong quy trình chế biến
- Bí quyết nấu nướng mà các chuyên gia trong ngành truyền lại (chỉ người trong ngành mới biết)
- Kết hợp giữa ẩm thực và kinh doanh.
– Nâng cao chất lượng phục vụ
“Trời đánh còn tránh bữa ăn” ý muốn nói trong lúc ăn điều người ta mong muốn nhất chính là sự thoải mái và vui vẻ. Nếu đi ăn mà rước bực dọc, khó chịu vào người thì liệu người ta có quay lại lần 2 khi mà ngoài kia có hàng trăm quán ăn khác nhau đang sẵn sàng chờ đợi phục vụ họ? Vì vậy, bên cạnh nâng cao chất lượng món ăn thì song song với đó bạn cần đề cao thái độ phục vụ, bằng cách:
- Mở cửa cho khách vào;
- Hướng dẫn khách tìm chỗ ngồi;
- Hướng dẫn khách chọn món;
- Tăng tốc độ order và xử lý món ăn;
- Luôn niềm nở, vui vẻ, nhiệt tình với khách;
- Đừng tiếc lời cảm ơn mỗi khi khách thanh toán hoặc ra về;
- Dắt xe ra cho khách mỗi khi khách đến hoặc về;
- …
Thái độ phục vụ là một trong những yếu tố giúp bạn tạo nên sự khác biệt so với đối thủ. Có nhiều quán ăn dù món ăn không có nhiều sự nổi bật nhưng tại đó có sự thoải mái, vui vẻ thì khách hàng vẫn sẽ lựa chọn.
– Đa dạng hóa dịch vụ
Bên cạnh các món ăn chính, quán ăn của bạn nên có thêm các dịch vụ khác. Việc này không chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng mà còn giúp cửa hàng của bạn tăng doanh thu đáng kể ngoài doanh thu đến từ món ăn. Một số dịch vụ có thể thực hiện tại quán ăn đó là:
- Cung cấp nước uống đủ loại
- Cung cấp rượu, bia
- Cung cấp đồ tráng miệng
- Cung cấp đặc sản hoặc các loại gia vị làm nên “linh hồn” của món ăn tại quán
- …
– Giữ giá bán trong khoảng cho phép
Ngay từ đầu bạn phải thiết lập một mức giá phù hợp – phù hợp với giá thị trường và phù hợp với lợi nhuận. Sau đó, bạn cố gắng duy trì mức giá đó trong suốt nhiều năm liền và không tăng giá với bất kể lý do nào. Chỉ cần giá vẫn nằm trong khoảng chỉ số lợi nhuận an toàn thì xăng tăng, giá nguyên liệu tăng, ngày lễ, ngày tết,… bạn đừng để nó ảnh hưởng đến giá bán.
Nếu bạn tăng giá, bạn sẽ thấy lợi nhuận tăng lên đáng kể nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Sau đó, bạn sẽ mất đi một vài lượng khách trung thành, và lợi nhuận ngay sau đó cũng sẽ giảm đi.
Nếu bạn không tăng giá, bạn sẽ thấy lợi nhuận thấp hơn một chút (miễn sao đừng để lỗ là được), nhưng chính vì sự ổn định đó mà bạn đã giữ được và kéo thêm được nhiều khách hơn, và về lâu về dài sẽ có lợi cho việc kinh doanh của bạn.
– Để ý đến phong thủy quán ăn
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, hầu hết những người làm ăn đều tìm hiểu và tin vào phong thủy. Phong thủy không phải là điều gì đó mê tín, mà đó là sự nghiên cứu về mối quan hệ giữa “phong” – gió và “thủy” – nước để sắp xếp, thực hiện cho đúng quy luật.
Phong thủy áp dụng cho mỗi lĩnh vực có sự khác nhau, và dưới đây là phong thủy áp dụng cho quán ăn bạn nên thực hiện:
- Vị trí quán ăn không bị bao vây bởi các tòa nhà cao tầng, không nằm ở nơi có đường lớn đâm vào;
- Không gian sạch sẽ, bát đũa, ly tách nên dùng màu sáng sủa;
- Sắp xếp bàn ghế gọn gàng, thuận tiện;
- Gió và nhiệt độ thông thoáng, phù hợp;
- Ánh sáng vừa đủ, tự nhiên, hài hòa;
- Lối đi thông thoáng, ấm áp;
- Có các điểm nhấn cho không gian sống động như: chuông gió, câu đối phong thủy, con vật may mắn, cây phong thủy,…;
- …
Đồng thời, bạn cần kiêng kỵ những điều sau khi kinh doanh quán ăn:
- Mở hàng hoặc khai trương vào tháng 7 – tháng “cô hồn”
- Ngoảnh lưng ra ngoài khi bán hàng
- Để bàn tính, máy tính tiền nằm sấp
- Tránh chọn cửa hàng 1 ống (lối đi thông với lối ra)
- Không vỗ vào bình rượu (nếu có)
- Tránh nhập hàng vào ngày xấu.
Lựa chọn lĩnh vực kinh doanh dựa theo mệnh của gia chủ
Theo ngũ hành, mỗi mệnh khác nhau sẽ thích hợp với những ngành nghề kinh doanh nhất định, cụ thể:
- Người mệnh Mộc thích hợp kinh doanh các món ăn có tính Hỏa (lấu, nướng, bánh ngọt,…)
- Người mệnh Kim thích hợp kinh doanh các món ăn có tính Thủy (phở, bún,…)
- Người mệnh Thủy thích hợp kinh doanh các món ăn có tính Mộc (món ăn có nguồn gốc rau – củ – quả, món chay)
- Người mệnh Thổ thích hợp kinh doanh các món ăn lên men như rượu, sữa chua, dưa muối, kim chi,…
- Người mệnh Hỏa thích hợp với mọi loại hình kinh doanh
– Định hình thương hiệu riêng
Dù là quán ăn nhỏ thì bạn cũng nên định hình và xây dựng thương hiệu riêng cho mình. Nếu không có thương hiệu thì bạn sẽ trở nên mờ nhạt trong thị trường ẩm thực vốn đang cạnh tranh khốc liệt này. Định hình thương hiệu sẽ giúp bạn truyền đạt phong cách và bản sắc của quán ăn đến khách hàng, thể hiện giá trị và sứ mệnh, đồng thời là cam kết của quán ăn đối với thực khách. Có được thương hiệu, bạn không chỉ có được sự trung thành của khách cũ mà còn thu hút những vị khách mới thông qua quảng cáo và tiếp thị.
Để bạn xây dựng và phát triển thương hiệu, dưới đây là những việc bạn sẽ phải làm:
- Xây dựng phong cách cho quán ăn: phong cách của món ăn và các điểm đặc biệt;
- Đặt tên thương hiệu: dễ nhớ, dễ đọc, gây ấn tượng với khách hàng;
- Khẩu hiệu: ngắn gọn, không quá 5 từ, là tuyên bố về thương hiệu,sứ mệnh của bạn;
- Xây dựng website: nếu quán ăn của bạn quy mô lớn và bạn bán hàng online thì nên xây dựng website, còn không thì bỏ qua;
- Không gian: tạo ra sự thoải mái, dễ chịu nhưng phải có sự đặc biệt thông qua đồ dùng nội thất, vật dụng sử dụng, màu sắc, âm nhạc, đồng phục,…;
- Món ăn: phải thể hiện được thương hiệu của bạn.
– Những miễn phí nên có
Tại quán ăn, có những thứ miễn phí tuy nhỏ nhưng lại mang đến những giá trị vô cùng lớn đó là:
- Trà đá: Trà đá tính ra không đáng bao nhiêu tiền cả, bạn bỏ ra số tiền này để nhận về sự hài lòng của khách hàng là rất đáng. Đừng tính tiền trà đá, hãy phục vụ trà đá mọi lúc mọi nơi. Kể cả khi khách đã tính tiền nhưng chưa về thì đừng ngại châm thêm trà đá để phục vụ khách.
- Tiền giữ xe: Mặc dù chỉ tốn 3 – 5 ngàn đồng nhưng điều này gây ra sự khó chịu cho khách hàng. Thay vào đó, hãy đảm bảo xe của khách sẽ được bảo vệ an toàn khi khách bước vào quán hoàn toàn miễn phí. Không những vậy, khi khách bước ra hãy dắt xe cho khách với thái độ vui vẻ, nhiệt tình nhất có thể.
- Khăn giấy: Có rất nhiều quán ăn không phục vụ khăn giấy, khi khách muốn dùng khăn thì phải gọi khăn ướt – loại khăn phải tính thêm tiền. Cũng như trên, tiền khăn ướt không đáng bao nhiêu nhưng lại gây sự khó chịu đối với khách. Thay vào đó, bạn hãy để khách được sử dụng khăn giấy một cách thoải mái nhất, còn khăn ướt nếu không thể miễn phí thì có thể tính phí nhưng phải để khách gọi trong sự thoải mái nhất (chứ không phải là gọi trong sự miễn cưỡng).
– Marketing cho quán ăn
Bí quyết để tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này là ngoài những yếu tố kể trên bạn cần có một kế hoạch marketing thật tốt. Marketing không chỉ thu hút khách mới đến quán ăn mà còn là cách để khách hàng nhớ và lưu tâm về quán ăn của bạn.
Việc bạn cần làm để marketing đó là:
- Món ăn không chỉ ngon mà còn phải được trình bày đẹp để phục vụ khách chụp hình “sống ảo”;
- Thực hiện các chương trình khuyến mãi như: tặng nước uống miễn phí khi check in, tặng món tráng miệng cho bài review, giảm % cho khách hàng buổi tối,…
- Đưa quán ăn lên Google Map để tiếp cận những vị khách tìm kiếm “quán ăn gần đây”;
- Đưa quán ăn lên các địa điểm ăn uống như Lozi, Foody,…;
- Liên kết với các đơn vị đặt bàn, vận chuyển như: Delivery Now, Table Now, Pasgo,…;
- Tăng cường quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram,…;
- Đăng ký làm đối tác với Grabfood, Gofood, Beamin, Now,…;
- Quảng cáo truyền thống như phát tờ rơi hoặc đặt tờ rơi ở những nơi có nhiều đối tượng khách hàng của bạn;
- Marketing truyền miệng: muốn vậy bạn phải “đối xử” thật tốt với cả khách hàng lẫn nhân viên của bạn, vì họ chính là người quảng cáo về quán ăn của bạn một cách hiệu quả nhất;
- Sử dụng hiệu ứng đám đông để tăng sự chú ý và tăng lượng khách hàng ghé vào;
- …
– Chăm sóc khách hàng thật tốt
Khách hàng là người tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho bạn, tại sao bạn không dành thời gian và công sức để chăm sóc họ chứ?
Chăm sóc khách hàng không khó, bạn chỉ cần thực hiện với những việc nhỏ nhặt như sau:
- Vui vẻ, niềm nở
- Hỏi thăm, trò chuyện
- Phục vụ nhanh chóng
- Các ưu đãi đi kèm: trà đá, khăn lạnh,…
- Nhớ thói quen ăn uống của khách
- Tặng quà hoặc có các ưu đãi vào dịp đặc biệt
- …
Tổng kết
Tất tần tật những kinh nghiệm đầu tư quán ăn nói trên hy vọng đã giúp bạn biết được đường đi nước bước cụ thể, đồng thời đã “bỏ túi” được những lưu ý quý giá để xây dựng và phát triển quán ăn. Đây chắc chắn không phải là điều dễ dàng, nhưng sự tính toán cẩn thận cùng các kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn tránh được những sai sót, chạm chân được đến thành công nhanh hơn.
Xem thêm: