Tất tần tật kinh nghiệm đầu tư căn hộ dịch vụ (Chi tiết nhất)

Tất tần tật kinh nghiệm đầu tư căn hộ dịch vụ (Chi tiết nhất)

Hiểu rõ những kinh nghiệm đầu tư căn hộ dịch vụ giúp các cá nhân có kế hoạch, chiến thuật phù hợp, sinh lời hiệu quả với hình thức căn hộ cho thuê đang rất được ưa chuộng trên thị trường.

Thị trường căn hộ tại Việt Nam đang dần trở nên đa dạng với nhiều loại hình, từ căn hộ bình dân, quy mô nhỏ, đến những căn hộ rộng rãi, đẳng cấp; từ những căn tích hợp nhiều công năng, phục vụ cho công việc, đến những căn nghỉ dưỡng của giới thượng lưu,… Sự sôi động của phân khúc này cũng mang đến không ít cơ hội để sinh lợi bền vững cho giới đầu tư bất động sản.

Những kinh nghiệm đầu tư nhà đất đã chỉ ra một số vấn đề cơ bản cốt lõi khi xuống tiền ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, với mỗi loại hình, phân khúc, đều có những ngoại lệ, ví dụ như kinh nghiệm đầu tư đất nền, kinh nghiệm đầu tư khách sạn, kinh nghiệm đầu tư căn hộ, kinh nghiệm đầu tư đất vườn,… Đầu tư căn hộ dịch vụ là một “ngách” của đầu tư căn hộ nói chung, nhưng bởi tính chất mang tính đặc thù nên khi lên phương án sinh lợi, nhà đầu tư cần có chiến thuật riêng cho phù hợp.

Dưới đây là một vài chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư căn hộ dịch vụ vô cùng hữu ích.

Căn hộ dịch vụ là gì?

Căn hộ dịch vụ, tên tiếng anh là Apartment service, là thuật ngữ dùng để mô tả về những loại hình phòng cho thuê gần giống với khách sạn về mặt tiện nghi, có đầy đủ như tủ lạnh, giường, ghế, phòng tắm, tivi, điều hòa,… Chúng khác với căn hộ chung cư thông thường là có thêm dịch vụ giặt ủi, dọn phòng,… Một không gian khép kín của căn hộ dịch vụ được trang bị đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà tắm, bếp nấu,… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường nhật của người ở.

Bên cạnh đó, ở một số nơi, căn hộ dịch vụ còn đa dạng hóa tiện ích với: bể bơi, phòng tập gym, quán cà phê, nhà hàng, trung tâm mua sắm,…

Tùy theo quy mô, chất lượng tiện ích cũng như giá thành mà căn hộ dịch vụ được chia thành các loại hình sau:

  • Căn hộ dịch vụ mini
  • Căn hộ dịch vụ trung bình
  • Căn hộ dịch vụ cao cấp

Đặc điểm chung của các căn hộ dịch vụ

Nếu nhìn qua, với những căn hộ dịch mini hoặc trung bình, trông chúng không khác gì một căn hộ chung cư thông thường bởi cũng có đầy đủ loại diện tích và thiết kế, như 1 phòng ngủ, 2 – 3 phòng ngủ,… để phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng. Với những căn hộ dịch vụ cao cấp, hình ảnh liên tưởng đến có thể là những căn penthouse, duplex,… Hoặc thậm chí, có những studio cũng được thiết kế như một căn hộ dịch vụ.

Điểm chung và cũng là điểm khác biệt lớn nhất của căn hộ dịch vụ có lẽ là đối tượng khách hàng mà loại hình này phục vụ, phần lớn đều là người không lưu trú quá lâu, không có ý định định cư lâu dài. Vì vậy, căn hộ dịch vụ thường xuất hiện nhiều ở các đô thị, thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh,… những nơi có nhiều doanh nghiệp, công ty hoạt động, hoặc cực kỳ phát triển về du lịch, dịch vụ,…

Đặc điểm căn hộ dịch vụ

Những ưu nhược điểm khi đầu tư căn hộ dịch vụ

Ưu điểm của đầu tư căn hộ dịch vụ

Nhu cầu căn hộ dịch vụ trên thị trường lớn

Khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người đối mặt nhiều hơn với sự bận rộn, vùi đầu vào công việc, đầu tư cho sự nghiệp,… Vì vậy, nhu cầu của họ không chỉ dừng lại ở việc ăn, ngủ, nghỉ mà còn mong muốn có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi đúng nghĩa. Do đó, nếu không làm việc, họ thích có những căn hộ vừa để ở vừa giúp họ giải quyết mối lo về dọn dẹp, vệ sinh, thậm chí là ăn uống, giải trí,…

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh phát triển, nhu cầu đi lại giữa các tỉnh thành, quốc gia trở nên nhộn nhịp, thường là các chuyến công tác, tham dự hội thảo, triển khai các dự án, hợp tác đa quốc gia,… Theo đó, mỗi chuyến đi, thay vì chọn khách sạn hay phòng trọ, nhà nghỉ, họ sẽ chọn căn hộ dịch vụ, tiện nghi như khách sạn, thoải mái, gần gũi như ở nhà.

Mô hình này đang nắm bắt được tâm lý thị trường khá tốt và có nguồn khách hàng cực kỳ tiềm năng.

Tạo ra nguồn thu nhập cao và ổn định

Theo khảo sát, thu nhập có được từ cho thuê căn hộ dịch vụ không hề thấp, lại mang tính ổn định cao. So với căn hộ thông thường có cùng diện tích, giá cho thuê căn hộ dịch vụ thường cao hơn ít nhất 1.5 lần. Đặc biệt, nếu nhà đầu tư biết cách tận dụng không gian, giảm chi phí ban đầu, phát triển tiện ích, gia tăng các loại hình dịch vụ phù hợp,… thì mức giá hoàn toàn có thể nâng lên cao hơn.

Tối ưu hóa lợi nhuận bằng phương pháp quản lý

Việc quản lý, tính toán thu chi hàng tháng ở căn hộ dịch vụ có phần phức tạp hơn so với cho thuê phòng trọ hay căn hộ thông thương. Tuy nhiên, mô hình này lại có các đơn vị vận hành chuyên nghiệp, chỉ cần nhà đầu tư biết cách quản lý bài bản, chặt chẽ ngay từ đầu thì có thể tận dụng được khá nhiều ưu thế từ căn hộ dịch vụ. Nếu làm tốt, chỉ trong thời gian ngắn, số lượng phòng phát triển lên quy mô lớn hơn là hoàn toàn có thể.

Nhược điểm khi đầu tư căn hộ dịch vụ

Thị trường cạnh tranh

Không riêng gì căn hộ dịch vụ, nội bộ ngành bất động sản hiện nay đang có xu hướng cạnh tranh khá gắt gao giữa các phân khúc, loại hình sản phẩm. Mặc dù nhu cầu về sản phẩm khá cao trên thị trường nhưng song song với đó, số lượng nhà đầu tư muốn nhảy vào mô hình này cũng không ít. Vì vậy, tìm kiếm, thu hút khách hàng sẽ là một vấn đề lớn cần giải quyết.

Điều này chỉ có thể xử lý bằng một kế hoạch, chiến thuật kinh doanh hợp thời, sử dụng thông minh các chiến lược truyền thông cũng như tối ưu thiết kế, tạo điểm nhấn bằng phong cách kiến trúc,…; biết cách “đánh” vào nhóm khách hàng mục tiêu. Nội dung này sẽ được chia sẻ cụ thể hơn ở bên dưới.

Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn

Trừ một số trường hợp là căn hộ dịch vụ nhỏ lẻ, theo kiểu cá nhân đầu tư 1 – 2 căn, thì những dự án căn hộ dịch vụ cũng đều cần số vốn ban đầu ở mức kha khá. Thiếu hụt về nguồn lực tài chính là một trong những trở ngại lớn. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải tính toán rất kỹ các khoản thu chi, xem xét mọi yếu tố rủi ro và có phương án dự phòng.

Những rủi ro khi đầu tư

Những rủi ro khi đầu tư căn hộ dịch vụ

Chọn sai vị trí

Vị trí đối với bất động sản là yếu tố mang ý nghĩa chiến lược; một vị trí tốt đi cùng với nhiều hứa hẹn về lợi nhuận và giá trị. Căn hộ dịch vụ rất cần có một vị trí đẹp, giao thông thuận tiện. Chọn sai vị trí triển khai, đánh giá nhầm về hạ tầng,… là nguyên nhân dẫn đến kế hoạch thất bại.

Giá chào thuê cao hơn so với thị trường

Việc đầu tư vào kiến trúc và tiện ích cho phép nhà đầu tư chào thuê căn hộ với mức giá cao hơn so với phòng trọ, căn hộ bình dân. Tuy nhiên, mức chênh lệch này chỉ ở giới hạn nhất định, nếu nhà đầu tư quá lạm dụng, hét giá, rất dễ khiến sản phẩm bị “ế”.

Rủi ro đến từ khách thuê

Có lẽ đây không phải là chuyện xưa nay hiếm. Không phải khách thuê nào cũng thiện chí hợp tác. Nhiều trường hợp, các vị khách khiến bên cho thuê gặp rắc rối về an ninh, pháp lý và cả chất lượng căn hộ, hư hỏng đồ đạc,…

10 kinh nghiệm đầu tư căn hộ dịch vụ phải bỏ túi

Thứ nhất, chọn đúng vị trí và khu vực để đầu tư

Căn hộ dịch vụ hướng tới những đối tượng khách hàng và mục đích, nhu cầu sử dụng khá đặc thù, vì vậy, không phải bất kỳ khu vực nào cũng có thể phủ hợp để kinh doanh mô hình này. Tại Tp. Hồ Chí Minh, những khu vực tiềm năng có thể kể đến Phú Mỹ Hưng (quận 7), Thảo Điền (quận 2), khu Central Business District, quận 1, quận 3, quận 4 và quận Bình Thạnh,… Tuy nhiên, ở các quận, huyện khác, nếu đảm bảo tính thu hút về mặt khách hàng vẫn có thể cân nhắc nhưng quan trọng là phải tiến hành khảo sát kỹ.

Nhà đầu tư có thể tự mình thăm dò trên thực tế, đánh giá dựa trên nhịp sống thật, mật độ dân cư, mức sống và số lượng doanh nghiệp trên địa bàn. Hoặc cẩn thận hơn, sử dụng tư vấn từ các đơn vị chuyên nghiệp cũng là một phương án hay, chấp nhận bỏ thêm một khoản phí nhưng bù lại sẽ nhận được không ít thông tin “đắt giá”.

Thứ hai, nghiên cứu thị trường căn hộ dịch vụ một cách bài bản.

Tương tự như khảo sát, đánh giá vị trí, nhà đầu tư nghiên cứu thị trường bằng cách tự mình thực hiện hoặc thuê các đơn vị chuyên nghiệp để đảm bảo tính chuyên môn cao hơn, có số liệu cung – cầu chi tiết nhất, thậm chí là các giai đoạn biến động của phân khúc và loại hình. Cách tối ưu nhất thường thấy hiện nay là đối chiếu so sánh, kiểm tra chéo giữa các báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau.

Các thông tin quan trọng và cần thiết khi nghiên cứu thị trường gồm: địa bàn có khách hàng thuộc phân khúc tập trung đông nhất, triển vọng nguồn cung mới và cũ, mức chi trả trung bình, thu nhập có thể đạt được, định hướng thời hạn thuê ngắn hay dài, tỷ lệ cạnh tranh, những đối thủ cạnh tranh trực tiếp,…

Thực ra, “công đoạn” này khá rộng và có thể mất đáng kể thời gian của nhà đầu tư. Tuy nhiên, không ai lại vội vàng chi tiền khi chưa có cái nhìn cụ thể về thị trường và sản phẩm mà mình kỳ vọng. Đây chính là bước đặt nền tảng cho những kế hoạch cụ thể và dài hơi hơn về sau này.

Thứ ba, “giải” bài toán tài chính theo phương án hợp lý nhất

Nhắc đến bài toán tài chính trong đầu tư, phần đều nghĩ đến phương án sử dụng đòn bẩy tài chính với ngân hàng là lựa chọn quen thuộc. Thực ra, vay để đầu tư hay mua nhà đất không hiếm, cũng không phải là xấu nhưng chỉ thực sự an toàn với người am hiểu về tài chính, biết “cân đo đong đếm” dòng tiền.

Nếu là nhà đầu tư nhàn rỗi, nguồn vốn lớn, mọi chuyện sẽ khá dễ dàng. Nhưng nếu phải sử dụng đến đòn bẩy, hoặc các đơn vị quản lý chuyên nghiệp thuê rồi cho thuê lại, với mô hình căn hộ dịch vụ, chỉ nên vay từ 50 – 60% số vốn cần bỏ ra để xây dựng.

Tiền thuê hằng năm của loại hình này ở mức từ 4-6% tổng vốn đầu tư (gồm tiền đất và chi phí xây dựng) công với khoản giá trị gia tăng từ 6-8%/năm của BĐS. Ví dụ, nếu chi ra khoảng 20 tỷ để đầu tư, bạn có thể thu về từ 800 triệu – 1,2 tỷ đồng/năm từ tiền thuê cộng với với khoản tăng giá từ 1,2 – 2 tỷ trên giá trị BĐS.

Thứ tư, định vị khách hàng – xác định đối tượng tiềm năng

Việc xác định được phân khúc – đối tượng khách hàng tiềm năng, phù hợp với loại hình căn hộ dịch vụ rất quan trọng, quyết định đến tỷ lệ cho thuê thành công và khoản lợi nhuận thu được, tính ổn định của thu nhập. Có rất nhiều nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng căn hộ dịch vụ với khác biệt về thu nhập, văn hóa, tiêu chuẩn sống,… Tùy xem vị trí nhà đầu tư chọn, khu vực đó phù hợp với những đối tượng nào, có thể tiếp cận tốt với những khách hàng ra sao,…

Người độc thân, công việc bận rộn: sống một mình tạo cảm giác thoải mái, không cần diện tích quá rộng nhưng chắc chắn phải đảm bảo an toàn và tiện nghi. Ngoài ra, lối sống hiện đại, hết mình vì công việc cũng khiến những khách hàng này hiếm có thời gian để dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Căn hộ dịch vụ với sự chăm sóc toàn diện là sự lựa chọn không thể phù hợp hơn. Tất nhiên, những khách hàng này sẽ muốn thuê các căn hộ dịch vụ có giá vừa tầm với thu nhập của người Việt hiện nay, không cần quá đắt đỏ, cao cấp nhưng sẽ tốt hơn nếu gần chỗ làm, thuận tiện về giao thông.

Chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc: đây là nhóm khách hàng cực kỳ tiềm năng, mục đích thuê căn hộ dịch vụ là để phục vụ chính cho công việc, họ cũng không có thời gian để nấu nướng hay dọn dẹp. Nghề nghiệp của họ thường là: nghiên cứu thị trường tiêu dùng, giáo viên ngoại ngữ (tiếng Anh – Nhật – Đức – Hàn), chuyên viên tư vấn các dự án tại Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, chuyên gia được các doanh nghiệp Việt Nam thuê… Tiêu chuẩn lựa chọn của nhóm khách hàng này cũng khá cao, yêu cầu sự hoàn thiện về tiện ích, các dịch vụ đi kèm. Đặc biệt, nếu có đội ngũ quản lý tốt về tiếng Anh sẽ là một điểm cộng rất lớn. Trường hợp này bao gồm cả người nước ngoài sang công tác ngắn hạn hoặc thuê theo thời gian thực hiện dự án và cả dài hạn theo năm.

Người đi công tác, nghỉ dưỡng: thay vì thuê khách sạn với chi phí khá tốn kém, trong khi thuê căn hộ lại thiếu dịch vụ dọn dẹp, tiện nghi không đầy đủ, những khách hàng này sẽ ưu tiên chọn căn hộ dịch vụ với sự kết hợp cả hai trong tầm giá hợp lý. Tùy theo nhu cầu là lưu trú trong chuyến công tác hay nghỉ dưỡng, người thuê tìm kiếm căn hộ có chất lượng phù hợp:

  • Nếu đi công tác: đáp ứng nhu cầu ngủ nghỉ, thoải mái, yên tĩnh.
  • Nếu đi nghỉ dưỡng: tầm nhìn đẹp, tiện nghi, giao thông thuận tiện, dịch vụ và chất lượng phục vụ tốt.

Kinh nghiệm đầu tư căn hộ dịch vụ-1

Thứ năm, thiết kế căn hộ dịch vụ phù hợp

Chính vì đối tượng khách hàng đa dạng nên căn hộ dịch vụ muốn đầu tư hiệu quả phải thật chú trọng vào thiết kế, đáp ứng đúng tiêu chuẩn “dịch vụ” vốn có. Không riêng gì khách hàng người nước ngoài, người Việt cũng đang dần thay đổi rất nhiều trong tư duy lựa chọn nhà ở, dịch vụ lưu trú.

Có một vấn đề cần lưu ý rằng, đầu tư căn hộ dịch vụ có thể đầu tư nhỏ lẻ hoặc theo quy mô với số lượng lớn, điều này sẽ ảnh hưởng đến thiết kế chung. Hoặc nhà đầu tư chọn cách an toàn, áp dụng lối kiến trúc, màu sắc, bố cục có thể làm hài lòng tất cả khách hàng, nhưng sẽ đi cùng với sự cơ bản nhất. Hoặc dựa trên đối tượng khách hàng tiềm năng đã khảo sát, thăm dò được để phân chia số lượng căn hộ theo từng phòng khách, như khách châu u, khách Hàn, khách Mỹ, khách Việt,… chắc chắn họ không có cùng “gu sản phẩm”.

Vì vậy, nhà đầu tư nên tham khảo ý kiến các đơn vị thiết kế, thi công chuyên nghiệp, nhận lời khuyên từ những kiến trúc sư có kinh nghiệm. Họ am hiểu về thị hiếu, xu hướng trên thị trường nên sẽ biết đâu là phương án tối ưu nhất. Định vị sai sản phẩm có thể dẫn đến việc lãng phí trong thi công, nhanh lỗi thời hoặc “lạc quẻ” so với thị trường, dẫn đến gặp rủi ro thua lỗ.

Khi đầu tư căn hộ dịch vụ cho thuê, nhà đầu tư cần đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể, không chỉ đảm bảo phần nhìn mà cả về độ bền, tính an toàn:

  • Trường hợp tu sửa lại căn hộ cũ, nội thất quan trọng nhất là sơn mới lại tường, khắc phục những chỗ hư để mang lại cảm giác mới mẻ, ưu tiên chọn những màu tươi sáng. Đồ đạc bên trong cũng cần xem xét, có thể tái sử dụng hay có còn phù hợp với thiết kế căn hộ nữa hay không. Nếu không thực sự cần thiết, nên bỏ đi những món đồ cũ, đừng giữ lại vì chỉ khiến căn hộ thêm chật chội mà thôi. Tận dụng thêm phụ kiện trang trí để căn hộ thêm phần bắt mắt. Những căn hộ dịch vụ mini, tầm trung nên suy nghĩ đến phương án này.
  • Trường hợp xây mới căn hộ, ngay từ đầu nên ưu tiên phong cách thiết kế tươi sáng, đồng bộ từ sơn tường đến nội thất, nên chọn những gam màu ít lỗi thời, như: kem sữa, màu ghi, trắng, be,… Những màu sắc này ăn gian diện tích rất hiệu quả, thời thượng, tạo cảm giác sạch sẽ, sang trọng và hiện đại.
  • Tối ưu hóa công năng căn hộ để trong trường hợp nào cũng có thể đảm bảo sự thoải mái, tiện nghi cho khách hàng. Về mặt không gian, cần xác định rõ diện tích từng phần, mục đích sử dụng, có thể kết hợp không gian nào với nhau một cách khoa học nhất: phòng khách, nhà tắm, phòng ngủ, phòng làm việc, góc đọc sách, uống trà, ngắm cảnh,…
  • Chú ý đến an ninh, phòng cháy chữa cháy cho căn hộ. Dù sử dụng căn hộ dịch vụ cho nhu cầu nào thì khách hàng cũng muốn mình được nghỉ ngơi trong không gian an toàn nhất, chất lượng nhất, không bị các yếu tố bên ngoài tác động.

Thứ sáu, xây dựng và không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ tốt nhất

Điểm khác biệt của căn hộ dịch vụ chính là những tiện ích đi kèm, là yếu tố đáng cân nhắc hơn cả khi đặt lên bàn cân so với các căn hộ thông thường. Không chỉ dừng lại ở những giới hạn quanh không gian sống như lau dọn, giặt ủi, ăn uống, mua sắm,… mà rộng hơn, còn là chế độ “chăm sóc” về vé máy bay, phương tiện đưa đón, ngôn ngữ, hỗ trợ pháp lý, các dịch vụ cá nhân khác,… Đây là những yếu tố thoạt nghe có vẻ như không mấy quan trọng nhưng thực chất lại nắm giữ vai trò then chốt trong việc tạo nên tính cạnh tranh khách hàng, lấy lòng và giữ chân khách hàng.

Trong số vô vàn lựa chọn trên thị trường, nâng cấp chất lượng dịch vụ thường xuyên là chiếc cầu nối để nhà đầu tư căn hộ dịch vụ tiếp cận khách hàng tốt hơn, thậm chí là tạo dựng được thương hiệu riêng. Khách hàng có phản hồi tốt chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng khả quan cho căn hộ. Đặc biệt, thái độ phục vụ của đội ngũ quản lý, bảo vệ, nhân viên tạp vụ,… cũng cần hoàn thiện không ngừng. Sử dụng dịch vụ thì thái độ luôn nằm trong top các tiêu chí đánh giá quan trọng hàng đầu.

Thứ bảy, vận hành và quản lý chuyên nghiệp căn hộ dịch vụ

Sẽ là một thách thức cho các nhà đầu tư vào mô hình căn hộ dịch vụ tại Việt Nam, bởi lẽ tuy không quá mới nhưng mô hình này, nói về kinh nghiệm, chúng ta chưa thực sự có thế mạnh. Chưa kể đến, tham gia vào phân khúc này cũng phần lớn là cá nhân, nhà đầu tư tay ngang, nghiệp dư, thiếu hụt kiến thức về quản lý và vận hành bất động sản cho thuê. Điều này có thể khiến phát sinh một số rủi ro như:

  • Tài sản mau chóng bị xuống cấp.
  • Khách hàng nhanh chán, không muốn quay lại.
  • Xử lý tình huống chậm, thua lỗ chồng chất.
    ….

Nếu không có thời gian để đầu tư cho chính mình thì tốt nhất là tìm đến những đơn vị tư vấn, quản lý, khai thác chuyên nghiệp và uy tín, để được họ hỗ trợ, đảm bảo chất lượng cho căn hộ của mình.

Thứ tám, đảm bảo an ninh trật tự, cư trú hợp pháp

Khách thuê căn hộ dịch vụ nói chung và khách người nước ngoài nói riêng đều rất lo ngại những vấn đề liên quan đến tính an ninh, an toàn pháp lý khi sử dụng các dịch vụ lưu trú. Vì vậy, khi cho thuê cần tiến hành đăng ký tạm trú cho khách theo đúng quy định của pháp luật. Cũng có thể bố trí thêm đội giám sát, theo dõi chặt chẽ để khách thuê tuân thủ các quy định về trật tự an ninh, bởi đôi khi vấn đề lại phát sinh từ chính khách thuê. Đây cũng là một trong các dạng rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải.

Kinh nghiệm đầu tư căn hộ dịch vụ-2

Thứ chín, tiếp thị sản phẩm, quảng bá hình ảnh căn hộ

Dù có quy mô nhỏ hay lớn thì muốn căn hộ dịch vụ góp mặt trên thị trường, được khách thuê biết đến cũng cần có chiến lược tiếp thị phù hợp và văn minh. Có rất nhiều hình thức để quảng bá sản phẩm, như truyền miệng, sử dụng các kênh – phương tiện truyền thông, tham gia các group, diễn đàn, trang rao vặt,… hoặc thuê đội ngũ marketing chuyên nghiệp,… Càng đa dạng và tối ưu cách thức tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, khả năng thu hút khách hàng càng cao. Muốn đầu tư có lời, kinh doanh tốt thì không nên bỏ qua các xu hướng chung của thị trường.

Thứ mười, an toàn pháp lý cho chính mình

Những rủi ro về pháp lý thường khá phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy, vì vậy trước khi đầu tư vào căn hộ dịch vụ, kinh doanh và sinh lợi từ chúng, nhà đầu tư cần đăng ký kinh doanh theo đúng quy định. Trong ngành bất động sản cho thuê, minh bạch về pháp lý là cách tốt nhất để đi đường dài.

Một vài kinh nghiệm đầu tư căn hộ dịch vụ sẽ giúp ích các nhà đầu biết mình cần làm gì và phải làm gì để xây dựng chiến thuật hiệu quả nhất.

Xem thêm: