10 kinh nghiệm đầu tư phòng trọ hiệu quả (người mới phải biết)

10 kinh nghiệm đầu tư phòng trọ hiệu quả (người mới phải biết)

Tất tần tật về kinh nghiệm đầu tư phòng trọ giúp người mới biết được có nên đầu tư vào lĩnh vực này không, nên đầu tư như thế nào để đạt lợi nhuận cao. Xem ngay!

Đầu tư phòng trọ nhìn qua thì có vẻ đơn giản, rằng chỉ cần xây phòng trọ lên, cho thuê và thu tiền về mỗi tháng. Tuy nhiên thực tế thì có rất nhiều áp lực và khó khăn mà chỉ những người kinh doanh trực tiếp mới có thể hiểu rõ. Nếu bạn là người mới có ý định đầu tư vào lĩnh vực này thì bạn nhất định phải biết tất tần tật các vấn đề liên quan về đầu tư phòng trọ, bao gồm: kiến thức cơ bản, ưu – nhược điểm, các bước đầu tư và cả kinh nghiệm đầu tư mà người đi trước đúc kết và truyền lại. Hãy dành ra 2 phút để đọc hết bài viết này bạn sẽ biết được mình có nên đầu tư phòng trọ hay không, nếu có thì nên làm gì để thành công và có lợi nhuận.

Tìm hiểu về đầu tư phòng trọ

Khái niệm

Đầu tư phòng trọ (hay kinh doanh phòng trọ) là một hình thức đầu tư được thực hiện bởi một cá nhân hoặc doanh nghiệp, họ dùng vốn của mình để đầu tư xây dựng nhà ở và cho người khác thuê lại để tạo ra lợi nhuận.

kinh nghiệm đầu tư phòng trọ 1

Mô hình phòng trọ

Phân theo giá thuê phòng, có:

Mô hình phòng trọ giá rẻ Giá phòng trọ dao động từ 1.500.000 – 3.500.000 đồng/tháng.

Diện tích phòng trọ từ 10 – 25m2.

Thường không có nội thất bên trong.

Đối tượng khách hàng chủ yếu là sinh viên, công nhân, những người có thu nhập thấp.

Được xây dựng chủ yếu tại các khu công nghiệp, trường học, cách trung tâm khoảng 13 – 15km.

Mô hình phòng trọ giá trung bình Giá phòng trọ dao động trong khoảng từ 3.500.000 – 6.000.000 đồng/tháng.

Diện tích từ 25 – 50m2.

Được trạng bị đầy đủ cơ sở vật chất như tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy nóng lạnh,…

Đối tượng khách hàng là những người có thu nhập khá (khoảng 100 – 200 triệu/năm).

Thường được xây dựng ở gần trung tâm, gần chợ, gần trường học, có giao thông hiện đại, có cơ sở hạ tầng phát triển,…

Mô hình phòng trọ cao cấp Giá cho thuê dao động khoảng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng.

Diện tích lớn hơn 50m2. Thường được xây dựng theo kiểu nhà nguyên căn, chung cư, căn hộ dịch vụ,…

Bên trong có đầy đủ nội thất hiện đại và tiện nghi. Ngoài ra còn có nhiều tiện ích khác phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đối tượng hướng đến là gia đình trẻ, người có thu nhập cao.

Phân theo kiểu phòng trọ, có:

Mô hình dãy trọ truyền thống Thường được xây dựng trên khuôn đất sẵn có của chủ nhà. Các phòng trọ được xây dựng liền kề nhau, có chung lối đi. Diện tích phòng từ 8 – 20m2. Giá thuê thường từ 800.000 đồng – 2.000.000 đồng/tháng. Đối tượng chủ yếu là sinh viên, công nhân.
Mô hình khu trọ dạng studio Diện tích phòng thường rộng từ 20 – 35m2, trong phòng thường có gác lửng, kệ bếp,… Giá thuê dao động trong khoảng từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng/tháng. Đối tượng hướng đến chủ yếu là những người thuê khá giả, có nhiều nhu cầu hơn.
Mô hình phòng trọ dạng homestay, ký túc xá Là dạng nhà trọ kết hợp với nhà riêng và ký túc xá, có không gian rộng hơn, giường ngủ thường bố trí thành giường tầng. Khu sinh hoạt chung có đầy đủ nội thất để mang đến sự tiện nghi giống như một gia đình. Giá thuê phòng thường dao động trong khoảng 800.000 – 2.000.000 đồng/người/tháng. Đối tượng chủ yếu là sinh viên.
Mô hình nhà trọ dạng căn hộ dịch vụ Đây là mô hình nhà trọ cao cấp được trang bị đầy đủ nội thất để mang đến cuộc sống tiện nghi, hiện đại. Tùy vào vị trí, diện tích và nội thất bên trong mà giá căn hộ dao động từ 6.000.000 – 16.000.000 đồng/tháng. Đối tượng của mô hình này hướng đến gia đình nhỏ, vợ chồng mới cưới nhưng có thu nhập cao, ổn định.
Mô hình nhà trọ tiền chế Lấy ý tưởng từ mô hình nhà trọ truyền thống, nhà trọ tiền chế được cải tiến hơn về cách xây dựng. Đó là sử dụng thép và các vật liệu nhẹ để xây dựng phòng trọ. Giá thuê tương đương và đối tượng thuê giống với với phòng trọ truyền thống.

Các kiểu đầu tư

Đối với đầu tư phòng trọ, có rất nhiều kiểu đầu tư khác nhau để bạn tham khảo và lựa chọn:

  • Xây dựng – cho thuê (cho nhiều người thuê): Đây là kiểu đầu tư phổ biến nhất hiện nay. Nhà đầu tư sẽ mua đất/thuê đất hoặc sử dụng đất có sẵn để xây dựng thành các phòng trọ, sau đó cho thuê lại và thu tiền về hàng tháng.
  • Xây dựng – bán lại/cho thuê (cho một người thuê): Cũng giống như trên, tuy nhiên ở đây nhà đầu tư sẽ không gắn bó lâu dài với phòng trọ, mà thường sau khi xây dựng xong họ sẽ bán lại hoặc cho thuê lại cho người khác để người đó tiến hành kinh doanh phòng trọ.
  • Mua/thuê – cho thuê lại: Đây là hình thức kinh doanh xuất phát từ kiểu đầu tư thứ 2 nói trên. Sau khi thuê/mua lại phòng trọ từ nhà đầu tư (hoặc chủ đầu tư) khác thì họ sẽ tiến hành cho người khác thuê lại và thu tiền về hàng tháng.

Ưu – nhược điểm

Nắm được ưu và nhược điểm bạn sẽ biết được có nên kinh doanh phòng trọ hay không.

Ưu điểm

Nhược điểm

– Nhu cầu lớn, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Tp. HCM, Hà Nội – nơi có tốc độ dân số tăng nhanh (mỗi năm tăng thêm 200.000 người) và tốc độ đô thị hóa mạnh.

– Doanh thu ổn định hàng tháng bất chấp sự lên xuống của thị trường bất động sản.

– Là kênh đầu tư ít rủi ro, đồng tiền không bị mất giá, chống được lạm phát và có “sức đề kháng” tốt dù cho thị trường bất động sản gặp khó khăn.

– Vừa kinh doanh có tiền hàng tháng vừa được hưởng sự tăng giá trị của bất động sản.

– Đầu tư phòng trọ cũng chính là đầu tư bất động sản, từ công việc này bạn sẽ có được những kinh nghiệm quý giá làm tiền đề để bước chân vào lĩnh vực đầu tư bất động sản hoặc làm bàn đạp để tiến hành những thương vụ đầu tư tiếp theo.

– Bỏ tiền lớn, thu về tiền lẻ, chưa kể đến trường hợp nhiều khách hàng đóng tiền trễ hạn khiến bạn mất thời gian và công sức để gom bạc lẻ.

– Đối tượng khách hàng phức tạp, nếu gặp phải người xấu, nguy hiểm thì sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành phòng trọ và làm giảm hiệu quả kinh doanh.

– Để vận hành, quản lý phòng trọ tốt đòi hỏi bạn phải biết và giải quyết rất nhiều công việc có tên và không tên khác nhau như là: sửa điện nước, sửa ổ khóa, đăng ký tạm trú, tính toán tiền phòng + điện + nước, tìm kiếm khách hàng, quản lý khách thuê, làm việc với cơ quan chức năng,…

– Phòng trọ nhanh xuống cấp và phải sửa chữa, thay mới thường xuyên do khách thuê không phải ai cũng có ý thức giữ gìn “của” chung.

– Thời gian hoàn vốn chậm, thường mất từ 5 – 10 năm. Trong thời gian đó số tiền của bạn dường như không thể dịch chuyển cũng không thể sinh sôi nảy nở thêm được.

Vậy có nên đầu tư, kinh doanh phòng trọ không?

Chắc chắn câu trả lời của mỗi người là không giống nhau.

Nếu bạn đã có đất sẵn hoặc có đủ vốn thì đó là điều kiện để bạn kinh doanh thuận lợi hơn so với người khác.

Nhưng nếu bạn phải đi thuê/mua đất hoặc không có đủ vốn phải mượn ngân hàng thì phải cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ vì “sai một ly đi một dặm”. Ngay bây giờ hãy cân nhắc thật kỹ rằng có nên đầu tư phòng trọ hay không, hay chuyển sang các lĩnh vực đầu tư khác như đầu tư đất nền, đầu tư quán ăn, đầu tư quán cafe, đầu tư bể bơi, đầu tư quán nét,… Còn nếu bạn vẫn quyết định đầu tư phòng trọ thì nhất định bạn phải biết tất tần tật những kinh nghiệm mà bài viết sẽ chia sẻ ở phần nội dung thứ 3 để biết cách kinh doanh hiệu quả.

Các bước đầu tư phòng trọ dành cho người mới

Bước 1: Xác định nhu cầu, phân tích thị trường, dự trù chi phí

Đầu tiên bạn cần biết được phòng trọ của bạn hướng đến đối tượng nào và mô hình nào phù hợp với đối tượng khách hàng đó.

kinh nghiệm đầu tư phòng trọ 2

Tiếp đến, bạn lựa chọn vị trí đặt phòng trọ ở gần đối tượng khách hàng của mình (trừ những người đã có sẵn đất).

Song song với xác định nhu cầu của mình bạn cần phân tích được thị trường để biết đối thủ của mình là ai, đang ở đâu, họ đang kinh doanh như thế nào, bạn có lợi thế gì để cạnh tranh với họ,…

Cuối cùng, trong bước 1 bạn cần dự trù được chi phí xây dựng phòng trọ hết bao nhiêu để chuẩn bị đầy đủ. Để xây dựng phòng trọ hoàn thiện ngoài chi phí cho vật liệu xây dựng thì còn phải trả phí cho nhân công, vật dụng cần thiết và các chi phí phát sinh khác. Nếu không có đủ vốn thì bạn cần lên kế hoạch vay mượn, tuy nhiên lời khuyên mà người đi trước dành cho bạn là không nên vay quá 30% giá trí số vốn đầu tư xây dựng. Bởi vì bạn sẽ phải mất khoảng 6 tháng mới có thể cho thuê hết các phòng và mất khoảng 5 – 10 năm mới thu hồi vốn. Nếu vay quá nhiều thì có khả năng bạn sẽ không trả được nợ và phải bán gấp nhà trọ để trả nợ.

Bước 2: Mua đất, thuê đất hoặc mua lại, thuê lại phòng trọ

Nếu bạn đã có sẵn đất thì bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải xây phòng trọ trên mảnh đất đó của mình. Trừ khi bạn bán nó đi để tìm kiếm những mảnh đất khác được cho là tiềm năng hơn để kinh doanh phòng trọ.

Còn nếu bạn chưa có gì thì bạn sẽ đứng trước hai sự lựa chọn: Một là mua/thuê đất rồi xây phòng trọ; hai là mua/thuê lại phòng trọ đã được xây sẵn. Dù chọn hướng đi nào thì bạn cũng phải bám sát kế hoạch đã vạch ra ban đầu của mình, đó là đầu tư phòng trọ ở gần khu vực khách hàng tiềm năng mà bạn hướng đến.

Bước 3: Thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về thủ tục kinh doanh nhà trọ như sau:

– Phải xin giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây nhà trọ mới:

Khoản 1 Điều 95 Luật xây dựng 2014 quy định về hồ sơ xin giấy phép xây dựng phòng trọ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định (bản sao)
  • Bản vẽ thiết kế xây dựng
  • Bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề (nếu có).

– Phải xin giấy phép kinh doanh phòng trọ:

Khoản 1 Điều 92 Luật Nhà ở quy định: Hộ gia đình, cá nhân được phép kinh doanh hoạt động cho thuê nhà ở mà không cần thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và không cần vốn kinh doanh phòng trọ pháp định. Hồ sơ xin giấy phép bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo mẫu)
  • CMND/CCCD/hộ chiếu của người đăng ký (bản sao)
  • Giấy đăng ký kinh doanh nhà trọ (theo mẫu)

Hồ sơ được nộp tại bộ phận một cửa thuộc UBND quận/huyện nơi “tọa lạc” của phòng trọ. Sau 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nhà trọ cho hộ gia đình.

Bước 4: Xây dựng, hoàn thiện phòng trọ

(Nếu bạn kinh doanh phòng trọ theo kiểu thuê/mua – cho thuê lại thì bạn có thể bỏ qua bước này và chuyển đến bước thứ 5).

Ở bước này, bạn có thể tự mình chuẩn bị mọi thứ và thuê người xây dựng riêng. Tuy nhiên, kinh nghiệm của những đi trước khuyên rằng nếu bạn không có kinh nghiệm và chuyên môn thì tốt hơn hết bạn nên thuê đơn vị thiết kế và thi công nhà trọ uy tín, chuyên nghiệp. Họ sẽ giúp bạn có được bản vẽ phù hợp với yêu cầu kinh doanh, tính toán cách bố trí không gian sao cho phù hợp, tư vấn về nguyên vật liệu tốt, giá cả phải chăng, đồng thời đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích về cách làm thế nào để đầu tư phòng trọ hiệu quả.

Bên cạnh đó, khi xây dựng phòng trọ bạn nên đảm bảo việc xây dựng đúng quy trình để tránh các rắc rối liên quan đến pháp luật về sau. Đồng thời việc xây dựng phòng trọ đúng quy trình cũng giúp cho công trình của bạn đảm bảo chất lượng, thi công nhanh chóng và giảm chi phí đáng kể.

Bước 5: Tìm kiếm khách hàng

Sau khi đã hoàn thiện phòng trọ, đây là lúc bạn dồn hết lực để tìm kiếm khách hàng. Bạn có thể thực hiện công việc này sau khi phòng trọ đã được xây xong hoặc thực hiện trước đó song song cùng quá trình xây dựng phòng trọ, vì không phải lúc nào bạn tìm kiếm là sẽ có khách ngay, nhất là khi phòng trọ của bạn là phòng trọ mới.

kinh nghiệm đầu tư phòng trọ 7

Bước 6: Vận hành và quản lý

Sau khi phòng trọ đã có người vào ở, đây là lúc bạn bước vào giai đoạn vận hành và quản lý khá khó khăn và vất vả. Không chỉ tính tiền và thu tiền khi đến tháng, bạn còn phải làm vô số các công việc khác như:

  • Quản lý cơ sở vật chất
  • Soạn thảo, ký kết hợp đồng
  • Quản lý thu – chi
  • Xây dựng bảng nội quy dãy trọ
  • Quản lý danh sách và thông tin người thuê
  • Quản lý số điện, nước của từng phòng
  • Quản lý chi phí dịch vụ phụ như internet, vệ sinh,…

Đối với các phòng trọ khác, công việc này có thể do chủ trọ thực hiện nhưng cũng có thể là do quản lý phòng trọ thực hiện. Nếu thuê quản lý thì bạn sẽ phải mất thêm một số tiền khoảng từ 7 – 12 triệu/tháng, đổi lại bạn sẽ có một trợ thủ đắc lực giúp bạn đạt hiệu quả hơn trong công việc đầu tư của mình.

Toàn bộ kinh nghiệm đầu tư phòng trọ hiệu quả nhất

Xác định rõ đối tượng khách hàng

Đối tượng khách hàng liên quan đến vị trí và mô hình phòng trọ, vì vậy ngay từ đầu bạn phải xác định rõ ràng. Và trong suốt quá trình xây dựng, vận hành kinh doanh không được xa rời đối tượng mà bạn hướng đến.

Ngoài ra đối tượng khách hàng cũng liên quan đến giá cho thuê phòng sau này. Nếu đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân thì giá thuê phòng chỉ dao động trong khoảng 800.000 – 1.500.000 đồng/người/tháng, do vậy bạn nên xây phòng trọ theo mô hình giá rẻ, bình dân. Còn đối với các đối tượng khách hàng khá giả hơn, giá thuê phòng dao động từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng hoặc hơn thì bạn có thể lựa chọn mô hình phòng trọ trung cấp hoặc cao cấp với nhiều tiện nghi hơn.

kinh nghiệm đầu tư phòng trọ 4

Đầu tư vào chất lượng hạ tầng

Chất lượng hạ tầng của phòng trọ bao gồm: Chất lượng phòng, chất lượng nội thất, chất lượng của điện, nước, internet,… Ngay từ đầu bạn nên chú trọng đầu tư vào các hạng mục này. Việc này sẽ tốn thêm một khoản chi phí khá lớn, tuy nhiên nếu tính về lâu dài thì bạn sẽ có được:

  • Sự hài lòng của khách hàng;
  • Hạn chế các sự cố không mong muốn;
  • Hạn chế trường hợp thay mới hoặc sửa chữa;
  • Hạn chế tình trạng xuống cấp nhanh chóng.

Ngoài ra, bạn nên đầu tư vào chất lượng khu trọ bằng cách tạo ra môi trường sống an toàn, an ninh và sạch sẽ. Thuê dịch vụ vệ sinh và lắp đặt camera được xem là những điểm cộng của các khu trọ hiện nay.

Tăng cường quảng bá, tìm kiếm khách hàng

Nếu như nhà trọ của bạn ở khu vực trung tâm, nơi ai ai cũng có thể nhìn thấy thì bạn chỉ cần treo bảng “cho thuê phòng trọ” thì sẽ có người liên hệ ngay. Nhưng nếu khu trọ của bạn ở nơi khó tiếp cận thì bạn nhất định phải quảng bá và tìm kiếm khách hàng. Bằng cách:

  • Tạo website riêng để tạo sự chuyên nghiệp và uy tín;
  • Đăng thông tin lên facebook tại fanpage của mình hoặc các hội nhóm khác;
  • Quảng bá thông qua các trang rao vặt như chotot, alonhadat, phongtot, rongbay,…;
  • Dán tờ rơi ở những nơi tập trung nhiều đối tượng khách hàng mà bạn hướng đến.

Sàng lọc khách hàng

Khách hàng có dăm bảy kiểu. Nếu như bạn dễ tính trong việc cho thuê thì bạn sẽ nhanh chóng có được khách và lấp đầy số phòng, nhưng đổi lại bạn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như: khách gây rối, phá phách, trộm cắp, vi phạm pháp luật,… Điều này dẫn đến:

  • Mất trật tự trong khu trọ;
  • Ảnh hưởng đến các phòng trọ khác (khiến họ phải chuyển đi);
  • Trục trặc liên quan đến pháp lý;
  • Hư hại đồ dùng trong phòng trọ;
  • Không thanh toán đúng hạn hoặc trốn thanh toán;

Do vậy ngay từ đầu bạn phải sàng lọc khách hàng thật kỹ để loại bỏ những đối tượng xấu ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bạn. Nếu không có kinh nghiệm bạn có thể thuê một người có kinh nghiệm quản lý, điều hành phòng trọ để hỗ trợ.

Làm hợp đồng thuê trọ và đăng ký tạm trú

Hợp đồng là giấy tờ duy nhất để đảm bảo quyền lợi của bạn khi bạn “hợp tác” với những người xa lạ. Dù việc này hơi rắc rối và tốn thời gian nhưng lại là cách để bạn kiểm soát tốt việc kinh doanh, đồng thời là căn cứ để giải quyết tranh chấp nếu có sau này.

Hợp đồng thuê phòng trọ cần đảm bảo tính hợp pháp bằng việc thể hiện đầy đủ các thông tin sau:

  • Thông tin cơ bản về bên thuê và bên cho thuê;
  • Thông tin về nhà cho thuê và mục đích thuê nhà;
  • Thông tin về giá, hình thức thanh toán;
  • Thông tin về thời hạn cho thuê;
  • Thông tin về quyền, nghĩa vụ của các bên;
  • Điều khoản chấm dứt hợp đồng;
  • Cam kết của các bên;
  • Chữ ký của các bên.

kinh nghiệm đầu tư phòng trọ 5

Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/12/2010 quy định hợp đồng thuê nhà không cần công chứng.

Bên cạnh việc làm hợp đồng thì bạn cần đăng ký tạm trú cho khách thuê. Đây không chỉ là quy định bắt buộc của pháp luật mà còn là cách để bạn an tâm về khách thuê hơn khi có sự “giúp sức” quản lý của cơ quan chức năng. Ngoài ra, nếu không đăng ký tạm trú cho khách thuê thì chủ trọ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Luôn tân trang, bảo trì phòng trọ

Chất lượng phòng trọ quyết định đến giá thuê phòng và tỷ lệ khách quyết định thuê, vì vậy đừng quên nhiệm vụ luôn làm mới và đảm bảo chất lượng của phòng trọ. Bằng cách:

  • Sửa chữa, thay mới những đồ dùng hư hỏng;
  • Sơn, sửa lại phòng nếu xuống cấp;
  • Kiểm tra, dọn dẹp, sửa soạn lại phòng khi có người trả phòng;
  • Giữ gìn vệ sinh khu phòng trọ sạch sẽ, thoáng mát;
  • Đảm bảo an ninh khu trọ 24/7;
  • Đảm bảo chất lượng điện, nước, wifi luôn ổn định;

Việc việc bảo trì nên được tiến hành định kỳ để duy trì chất lượng của phòng trọ, đồng thời tránh trường hợp hư hại quá lâu sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí để sửa chữa.

Đa dạng hóa dịch vụ trong khu trọ

Việc mở thêm nhiều dịch vụ trong khu trọ không chỉ là cách để tăng doanh thu mà còn tạo ra sự thuận tiện cho khách hàng. Đặc biệt là khi khu trọ của bạn có nhiều phòng thì mở thêm nhiều dịch vụ chính là cách để bạn phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Một số dịch vụ mà bạn có thể triển khai tại phòng trọ đó là:

  • Bán tạp hóa;
  • Cung cấp bình ga, nước uống;
  • Cung cấp dịch vụ giặt là;
  • Cung cấp đồ ăn hàng ngày;

Để tăng doanh thu, bạn nên triển khai dịch vụ này không chỉ cho khu trọ mà còn mở rộng đến người dân sống xung quanh đó.

Đưa ra mức giá phòng + giá điện, nước hợp lý

Đối với giá phòng:

Để đưa ra mức giá hợp lý bạn cần khảo sát, so sánh mức giá của các khu trọ ở trong khu vực có cùng diện tích và tiện nghi. Từ đó bạn thiết lập cho mình một mức giá phù hợp nhất, bao gồm phù hợp với thị trường, phù hợp với mức độ đầu tư và phù hợp với lợi nhuận của bạn.

Lưu ý: Yếu tố quyết định của giá phòng trọ bao gồm: Vị trí, diện tích, tiện ích xung quanh, công năng sử dụng,… Bạn nên định giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để tránh quá thấp ảnh hưởng đến lợi nhuận hoặc quá cao ảnh hưởng đến quyết định thuê phòng của khách.

Đối với giá điện + nước, bạn cần đưa ra mức giá theo quy định của nhà nước. Cụ thể:

Đối với giá điện:

Thông tư 25/2018/TT-BTC quy định về giá điện sinh hoạt dành cho sinh viên và người lao động thuê nhà như sau:

– Đối với người thuê nhà từ 12 tháng trở lên (có ký hợp đồng và đăng ký tạm trú) thì giá điện được tính như sau:

  • Bậc 1: từ 0 – 50kWh, giá tính 1.549 đồng/kWh;
  • Bậc 2: từ 51 – 100kWh, giá tính 1.600 đồng/kWh;
  • Bậc 3: từ 101 – 200kWh, giá tính 1.848 đồng/kWh;
  • Bậc 4: từ 201 – 300kWh, giá tính 2.340 đồng/kWh;
  • Bậc 5: từ 301 – 400kWh, giá tính 2.615 đồng/kWh;
  • Bậc 5: từ 401kWh trở đi, giá tính 2.271 đồng/kWh.

– Đối với người thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không kê khai đủ số người sử dụng điện thí giá điện tính theo bậc 3, tức bằng 1.848kWh.

– Đối với người thuê nhà dưới 12 tháng nhưng chủ nhà kê khai đủ số người sử dụng điện thì cứ 4 người được tính là một hộ và mức giá điện được tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Đối với giá nước:

Giá nước sẽ được áp dụng theo quy định riêng của từng địa phương. Cụ thể:

– Ở Hà Nội: Người thuê nhà từ 12 tháng trở lên (có hợp đồng) thì cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng nước và giá nước được tính như sau:

  • Từ 0 – 10m2: giá 5.973 đồng/m3;
  • Từ 10 – 20m3: giá 7.052 đồng/m3;
  • Từ 20 – 30m3: giá 8.669 đồng/m3;
  • Từ 30m3 trở lên: giá 15.929 đồng/m3.

– Tại Tp. HCM: Người thuê nhà từ 12 tháng trở lên (có hợp đồng) sẽ được áp dụng giá nước kinh doanh phòng trọ như sau:

  • Từ 0 – 4m3/người/tháng: giá 5.300 đồng/m3;
  • Từ 4 – 6m3/người/tháng: giá 10.200 đồng/m2;
  • Từ 6m3 trở lên/người/tháng: giá 11.400 đồng/m3.

Lưu ý: Nếu bạn thu tiền điện, nước quá cao so với quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng.

Tạo không gian sống lý tưởng cho khu trọ

Muốn biết nhu cầu của khách thuê đối với nhà trọ như thế nào bạn hãy dạo quanh một vòng các diễn đàn, hội nhóm thì sẽ có câu trả lời. Hầu hết mọi người đều thích sống ở một nơi sạch sẽ, an ninh và đặc biệt là tự do. Mặc dù là ở trọ nhưng khi đã bỏ tiền ra thuê thì ai nấy đều muốn xem đó là như là nhà của mình, thích đi lúc nào thì đi, thích về lúc nào thì về. Những quy định như đóng cửa trước 10h tối hay không cho người lạ vào khu trọ đối với bạn là cách đảm bảo an ninh trật tự nhưng đối với khách thuê thì đó là sự gò bó. Thay vì đưa ra giờ giới nghiêm hay khắt khe với người lạ đến chơi thì bạn nên siết chặt an ninh bằng cách:

  • Sử dụng cửa hiện đại hoặc thiết kế chắc chắn, an toàn;
  • Lắp đặt hệ thống camera ở khắp mọi nơi;
  • Thuê bảo vệ hoặc lực lượng an ninh địa phương để bảo đảm trật tự khu trọ 24/7;
  • Xây dựng nội quy rõ ràng và phù hợp.

Ngoài ra, bạn nên đảm bảo cho khu trọ của mình luôn sạch sẽ, thoáng mát bằng việc vệ sinh thường xuyên. Khu trọ sạch sẽ không chỉ là điểm cộng để giữ chân khách thuê cũ mà còn là yếu tố để thu hút thêm khách thuê mới.

kinh nghiệm đầu tư phòng trọ 6

Đặc biệt, chính bạn – chủ trọ phải là người niềm nở, vui vẻ để tạo thiện cảm với khách thuê. Hãy nhớ rằng bạn đang kinh doanh và người thuê trọ chính là khách hàng của bạn – là người tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho bạn. Nếu không thể xem “khách hàng là thượng đế” thì cũng tuyệt đối đừng để cảm xúc cá nhân làm ảnh hưởng đến khách trọ. Ngoài làm chủ thái độ ra, chủ trọ còn phải biết cách giải quyết mọi mâu thuẫn, xích mích trong khu trọ một cách nhẹ nhàng và thoải mái, để không chỉ làm hài lòng một người mà còn được lòng tất cả mọi người.

Sử dụng phần mềm quản lý nhà trọ

Nhằm giúp người quản lý tính toán chính xác tiền phòng, dịch vụ, đồng thời tiết kiệm thời gian ghi chép và thống kê thì ứng dụng quản lý phòng trọ đã ra đời. Phần mềm được phát triển trên nền tảng web, sử dụng online mọi lúc mọi nơi chỉ cần có internet.

Các tính năng nổi bật của phần mềm quản lý nhà trọ bao gồm:

  • Quản lý khách thuê: gồm các thông tin cá nhân và thông tin liên hệ;
  • Quản lý hợp đồng: gồm các thông tin về hợp đồng thuê nhà, phòng, khách thuê, dịch vụ, tiền đặt cọc,…
  • Quản lý hóa đơn: gồm chi phí điện, nước, dịch vụ,…;
  • Xuất, in hợp đồng, hóa đơn một cách nhanh chóng, tiện lợi;
  • Quản lý số điện, nước: của từng phòng, theo từng tháng, tự động tính toán số tiền cần trả;
  • Quản lý phiếu chi: tổng hợp báo cáo thu chi của toàn bộ khu trọ giúp bạn biết được doanh thu và lợi nhuận;
  • Quản lý phòng, thiết bị: bao gồm thông tin từng phòng và thiết bị sử dụng trong phòng;

Nếu bạn sở hữu khu trọ với nhiều phòng thì nên ứng dụng phần mềm quản lý nhà trọ để hỗ trợ bạn việc quản lý và tính toán một cách chính xác và chuyên nghiệp nhất.

Tổng kết

Đầu tư phòng trọ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi thị trường nhà cho thuê phổ biến và cạnh tranh như hiện nay. Để đầu tư hiệu quả thì bên cạnh việc sở hữu vốn mạnh cộng với tư duy kinh doanh khác biệt thì đòi hỏi bạn phải học hỏi kinh nghiệm đầu tư phòng trọ mà người đi trước truyền lại. Hy vọng với những chia sẻ nói trên đã giúp bạn biết được mình cần làm gì để chiến thắng tại “sân chơi” này.

Xem thêm: