Kinh nghiệm mua đất xây nhà cho các gia chủ

Kinh nghiệm mua đất xây nhà cho các gia chủ

Đừng bỏ qua kinh nghiệm mua đất xây nhà nếu muốn sở hữu không gian sống đẹp, tiện nghi cũng như đảm bảo sự thuận lợi về mặt pháp lý.

Ngày nay, mặc dù các loại hình bất động sản xây sẵn lên ngôi, nhiều người chọn mua nhà liền kề, mua chung cư, mua nhà phố,… nhưng không thể phủ nhận, việc tự mua đất, xây dựng nhà ở theo ý thích của mình vẫn được ưu ái. Tâm lý người Việt vốn chuộng nhà liền thổ, trong khi mua đất xây nhà lại có thể đáp ứng được tối đa các tiêu chí của gia chủ; họ lên phương án dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính của mình.

Tuy nhiên, khi thị trường trở nên sôi động, việc đầu tư vào nhà đất, đặc biệt là đầu tư đất nền tăng nhiệt, để chọn được đất xây nhà tưởng dễ bởi nguồn cung lớn nhưng lại không hề đơn giản bởi càng “nóng”, càng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Vì vậy, kinh nghiệm mua đất xây nhà trong bài viết sẽ giúp gia chủ chọn được nơi an cư ưng ý.

Tìm hiểu thông tin chung về mảnh đất bạn muốn mua

Bước đầu tiên khi mua nhà đất nói chung là phải có thông tin tổng quan, đánh giá bao quát nhất về bất động sản đó. Đánh giá ban đầu dựa trên một số thông tin cần thiết như sau:

  • Khu đất có thuộc diện quy hoạch?
  • Đường xá giao thông có thuận lợi trong việc đi lại hay không?
  • An ninh trong khu dân sinh có tốt không?
  • Khu đất có gần trường học, bệnh viện, chợ… để thuận tiện trong sinh hoạt hay không?
  • Các vấn đề liên quan đến giấy tờ, thủ tục pháp lý như khu đất có nằm trong diện tranh chấp, quy hoạch giải tỏa hay không?

Thông thường, các chuyên gia khuyên rằng nên dành thời gian để kiểm tra hồ sơ địa chính tại địa phương hoặc hỏi trực tiếp tại phòng Tài nguyên của địa phương nơi khu đất tọa lạc để được cung cấp thông tin chính xác nhất.

Ở bước đầu này, trước khi đi vào tìm hiểu kỹ hơn về khu đất, cần chắc chắn rằng, vị trí mà khu đất tọa lạc phù hợp với tiêu chí mà bạn tìm kiếm, thuận lợi cho quá trình di chuyển và đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng như cân đối với khả năng tài chính của mình.

Đất phải thuộc trường hợp cấp phép, đủ điều kiện lên thổ cư

Rất nhiều người mua đất xây nhà, chỉ quan tâm đến vị trí, giá cả mà quên mất điều kiện quan trọng là đất có được phép, được chuyển mục đích sang đất thổ cư hay không, bởi, xây nhà trên đất nông nghiệp, các loại đất không sử dụng vào mục đích để ở đều trái với quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 53/2017/NĐ-CP, từ ngày 25/6/2017, những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình muốn xin cấp giấy phép xây dựng cần phải có một trong các loại giấy tờ về đất đai như sau:

  • Giấy chứng nhận Quyền SDĐ cấp theo luật đất đai 1987, 1993, 2001, 2003 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất 2013.
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở theo quy định tại Nghị định 60 và 61/CP.
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy CN quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định.
  • Các loại giấy tờ đủ điều kiện để được cấp giấy CNQSD đất, QSH nhà ở và tài sản gắn liền với đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận.
  • Giấy tờ về đất đai đối với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau 1/7/2014 nhưng không có giấy chứng nhận QSDĐ, QSH nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
  • Báo cáo rà soát kê khai hiện trạng sử dụng đất
  • Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của UBND huyện;
  • Hợp đồng thuê đất;
  • Văn bản của cơ quan Nhà nước cho phép chuyển mục đích QSDĐ;
  • Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo đề nghị của cơ quan cấp phép xây dựng.

Ngoài ra, điều kiện quan trọng để có thể xây dựng nhà ở là đất thuộc trường hợp có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở (đất thổ cư). Một số khu đất chưa chuyển mục đích được bán với giá rẻ thu hút nhiều người quan tâm, tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ thì đất sau khi mua có thể không thể xây nhà, không tăng thêm giá trị.

Mua đất đủ điều kiện lên thổ cư

Đất thổ cư là gì?

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, đất thổ cư thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, được nhà nước công nhận thông qua sổ đỏ (hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Đất thổ cư được chia làm 2 loại, gồm:

  • Đất thổ cư đô thị (ODT): Ngoài đặc điểm của đất thổ cư thông thường, ODT sẽ thuộc phạm vi các phường, thị trấn, các quận, thành phố, thị xã…
  • Đất thổ cư nông thôn (ONT) thuộc địa giới hành chính là khu vực nông thôn và do xã quản lý.

Điều kiện chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư

Theo khoản 1 Điều 168 thì đất được phép chuyển quyền sử dụng phải có điều kiện là có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng). Ngoài ra còn phải đảm bảo 4 điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013, gồm:

  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Đất không có tranh chấp.
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

Đồng thời, tại Điều 52, Luật đất đai 2013 có quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

  • Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Các trường hợp chuyển mục đích đất cần phải xin phép

Điều 57 của Luật đất đai 2013 quy định, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

  • Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
  • Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
  • Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
  • Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
  • Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
  • Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
  • Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Không riêng gì trong đầu tư, kinh nghiệm mua nhà, mua đất nói chung luôn đặt yếu tố pháp lý lên hàng đầu. Chỉ khi an toàn về pháp lý, các thủ tục mới được thực hiện một cách thuận lợi, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho người mua. Đặc biệt, nếu là đất mua để xây nhà, điều này còn ảnh hưởng lâu dài đến quá trình sử dụng và thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đất đai về sau.

Chỉ mua đất sổ riêng, cảnh giác với các trường hợp chung sổ

Cũng là quan tâm đến pháp lý, nhưng không ít người chỉ quan tâm ở góc độ rằng khu đất đó có sổ hay chưa mà quên mất việc xem xét rằng đó là sổ chung hay riêng; điều này cũng dẫn đến những hệ quả pháp lý không hề nhỏ. Đất chung sổ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là khi mua để xây dựng nhà ở lâu dài.

Về mặt pháp lý, đất sổ chung nếu có mua bán phải được sự chấp thuận của tất cả những người có quyền sử dụng đất, 1 cá nhân có tên trong sổ không thể tự mình làm thủ tục sang tên cho người mua được. Như vậy, nếu bạn mua đất chung sổ, dù có xây nhà ở lâu dài thì mọi thủ tục liên quan sau này đều cần ý kiến của những người khác.

Ngoài ra, người bán chỉ bán phần đất thuộc quyền sử dụng của mình trong sổ, họ có thể xác định được vị trí đất nhưng chưa chắc các đồng sở hữu khác đã đồng ý với cách xác định như vậy. Để tách sổ chung, phải có sự đồng ý bằng văn bản của các đồng sở hữu.

Tình trạng chung sổ hiện nay không hiếm và không được khuyến khích giao dịch. Khi chọn mua đất xây nhà, nếu thấy nhiều người cùng đứng tên trong sổ đỏ hoặc diện tích mảnh đất được giới thiệu nhỏ hơn diện tích ghi trên sổ thì cần liên hệ với địa chính UBND cấp xã, huyện có chức năng quản lý đất đai tại địa phương để làm rõ quyền sở hữu, xác minh mọi vấn đề pháp lý trước khi mua. Đừng quá đặt niềm tin vào những lời hứa như sẽ làm thủ tục tách sổ hay đang chờ tách sổ nên làm giấy mua bán viết tay, sau đó sẽ chuyển nhượng theo trình tự luật định,…

>>> Xem thêm: Kinh nghiệm mua bán nhà giấy tay

Vì vậy, hãy chỉ đồng ý mua bán khi người bán đã hoàn thành việc tách sổ và có giấy tờ chứng minh hợp pháp.

Đảm bảo khu đất có diện tích tối thiểu tách thửa

Một vấn đề khác liên quan đến trường hợp chung sổ, nếu diện tích không đáp ứng điều kiện để tách thửa thì bên mua sẽ rất khó trong việc xác lập quyền sở hữu. Diện tích tối thiểu để tách thửa được mỗi địa phương quy định, người mua nên tìm kiếm các văn bản liên quan ở nơi mua đất để tham khảo.

Ngoài ra, cần đối chiếu diện tích đo đạc trên thực tế với con số ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sự chênh lệch về diện tích có thể khiến người mua mất tiền oan, mua phải phần đất lấn chiếm, bất hợp pháp, giá trị khi mua lớn hơn so với thực tế,…

Tính toán để cân đối chi phí

Lưu ý với vấn đề tranh chấp lối đi

Mua đất xây nhà thường gặp phải tình trạng sử dụng lối đi chung, nhưng sẽ rất phức tạp nếu có các tranh chấp liên quan đến lối đi này. Không phải là vấn đề lớn nhưng để giải quyết được phải có sự thỏa hiệp của tất cả người dân cùng sử dụng lối đi đó, đôi khi mất rất nhiều thời gian. Thử tưởng tượng, mua đất mà không có lối đi thì bạn phải xử lý như thế nào? Có những mâu thuẫn trước đó mà người bán cố tình giấu nhẹm đi, chỉ khi người mua về xây nhà sinh sống mới bắt đầu “lộ chân tướng”.

Xem xét chất lượng địa chất

Vì mua đất với mục đích xây nhà nên địa chất rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn, thuận tiện trong sinh hoạt mà còn quyết định không nhỏ đến chi phí xây dựng.

Nên chọn mua nền đất thịt, đất sét hoặc đất cát, tránh các loại đất nhão, đất địa tầng yếu hoặc đất ở khu vực dễ ngập úng, gần mạch nước ngầm, dễ bị sạt lở, sụt lún,… Trường hợp mua phải nền đất yếu, khi xây nhà buộc phải gia cố móng cho thật chắc chắn để đảm bảo tính kiên cố cho công trình, đặc biệt là các công trình nhà ở cao tầng. Chi phí gia cố móng cũng không hề thấp nếu muốn có độ bền cao.

Nền đất phải cao hơn mặt đường. Nếu mua đất thấp hơn, bạn sẽ phải tốn chi phí đổ đất nâng nền để tránh ngập nước khi mùa mưa đến, chi phí đổ đất tùy vào từng địa phương, khu vực sinh sống.

Vì vậy, nên tránh những nơi có địa chất yếu như đất ruộng, ao hồ, đầm… để giảm bớt chi phí khi xây nhà cũng như đảm bảo tính an toàn trong quá trình sinh sống.

Nhất định không thể bỏ qua phong thủy nhà ở

Mua đất xây nhà, dù với mục đích để ở hay kinh doanh, bán lại, cho thuê,… thì yếu tố phong thủy vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng. Phong thủy nhà ở bao gồm rất nhiều yếu tố, mỗi yếu tố ít nhiều đều có tác động đến gia chủ. Khi chọn đất xây nhà, cần phải tìm được miếng đất hợp hướng, có vị trí đẹp (cảnh quan, giao thông, đường sá,…).

Sẽ rất kỵ nếu mua đất nằm ở những vị trí “hiểm” như gần/trên nền rãnh thoát nước thải, có ngã ba đâm thẳng vào nhà, có vật nhọn trước nhà, nằm ở cuối dốc, đất trong ngõ cụt,… Thông thường, khi có khu đất khá bằng phẳng, hợp mắt thì gia chủ nên xem thêm tuổi của mình, vợ/chồng để an tâm hơn. Nhiều người không mấy quan tâm đến phong thủy nhưng thực tế, yếu tố này có tầm ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống, vận hạn, công việc, sức khỏe của gia chủ.

Có 4 yếu tố cơ bản có thể giúp người mua dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu hướng đất thổ cư xây nhà.

  • Tốt xấu theo hướng mệnh trạch
  • Tốt xấu theo hướng giao tiếp
  • Tốt xấu theo hướng khí hậu
  • Tốt xấu theo hướng phương vị

Một số tiêu chuẩn để chọn đất có địa thế đẹp như sau:

  • Thế đất phải bằng phẳng, cao hơn mặt đường.
  • Nhà phải ở chính hướng
  • Hướng Nam nên để đất trống
  • Không nên chọn nơi “tạng phong tập khí”
  • Nền đất phải kiên cố
  • Chất đất phải sạch sẽ
  • Đất phải trồng nhiều cây xanh

Kỹ càng khi chọn mua đất trong hẻm

Thay vì mua đất xây nhà ở những trục đường lớn, ưu thế về mặt tiền, chọn mua đất trong hẻm sẽ giúp tiết kiệm được chi phí, đồng thời thích hợp cho những ai muốn sống yên tĩnh, không có nhu cầu kinh doanh.

Tuy nhiên, khi chọn mua đất trong hẻm, cần phải chú ý về độ rộng của hẻm, nếu chọn hẻm quá nhỏ, sẽ gây khó khăn, tốn kém cho quá trình xây nhà sau này. Bởi khi hẻm rộng trên 4m thì mới có thể dễ dàng ép cọc tải bê tông cốt thép; hẻm từ 1,6 – 4m chỉ có thể ép cọc neo; với hẻm nhỏ hơn 1,6m thì chỉ có thể làm móng băng.

Hẻm càng nhỏ sẽ càng khó khăn trong việc bố trí tập kết vật tư khi xây dựng, xe chở vật liệu cũng khó ra vào, chưa kể đến gây cản trở đến quá trình đi lại của người dân trong hẻm. Những hẻm nhỏ, sâu sẽ mất thời gian, công sức, chi phí để vận chuyển vật tư vào trong công trình, thời gian thi công cũng bị kéo dài hơn.

Mua đất có sẵn nhà cũ, đừng nên chủ quan

Một số trường hợp, vì khu đất đẹp nên người mua quyết định mua lại, cải tạo hoặc tháo dỡ nhà cũ có trên đất. Điều này tưởng chừng không có gì đáng chú ý nhưng rắc rối có thể phát sinh từ những ngôi nhà cũ này. Lưu ý rằng, đất có nhà cũ thì nên là nhà cấp 4, nhà nhỏ và có tường riêng. Nhà như vậy sẽ dễ dàng cho việc tháo dỡ, không cần xin giấy phép cũng như tốn nhiều công sức, chi phí tháo dỡ. Trường hợp chung tường với nhà bên cạnh sẽ là một bất lợi lớn vì không thể nào đập bỏ tường nhà người khác, hoặc khi xây dựng lại, bề dày tường từ 100 – 200mm thì diện tích sử dụng thực tế sẽ bị thu hẹp.

Khảo sát môi trường sống xung quanh

Với mua đất xây nhà thì môi trường sống xung quanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sau này. Người mua cần biết rõ mối quan hệ giữa địa hình với môi trường, giữa kiến trúc công trình nhà ở và cảnh quan.

Vì sao nên tìm hiểu về môi trường sống xung quanh? Môi trường sống, hàng xóm, trình độ dân trí,… là những yếu tố có tác động đến sự phát triển của con người, đặc biệt với các gia đình có trẻ nhỏ. Việc sống trong khu dân cư văn minh, có không khí trong lành, đường đi rộng rãi, thông thoáng, gần gũi với thiên nhiên,… chắc chắn sẽ mang tới nhiều lợi ích cho tinh thần, sức khỏe và cả về mặt nhận thức.

Không nên mua khu đất có diện tích quá nhỏ

Bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí về điều kiện tách thửa, đừng nên vì giá thấp mà mua các khu đất có diện tích quá nhỏ.

  • Diện tích đất dưới 30m2 sẽ rất bất tiện khi thiết kế, khó bố trí công năng để đáp ứng nhu cầu của gia đình.
  • Diện tích nhỏ buộc phải xây cao nếu muốn đáp ứng được nhu cầu sử dụng, không gian bị chia tách vừa bất tiện, chật chội vừa đội chi phí xây dựng.
  • Các hạng mục thi công lớn như hố móng, bể tự hoại, cầu thang, ban công,… cũng tăng theo m2,…

Trường hợp tài chính không quá dư giả thì thay vì mua đất nhỏ trong nội thành, nên chuyển hướng sang tìm mua ở các vùng ven lân cận, nơi có hạ tầng phát triển một chút và khoảng cách không quá xa.

>>> Tham khảo một số bí quyết tại: Kinh nghiệm đầu tư đất nền ven đô

Đàm phán để đạt mức giá và quyền lợi tốt nhất

Đàm phán trong mua bán sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn nếu biết cách sử dụng nó một cách khôn khéo. Khi đã xác định được mảnh đất đó là những gì bạn tìm kiếm, đúng với nhu cầu và tiêu chí của mình, hãy có sẵn phương án để thương lượng nhằm thỏa thuận một mức giá tốt cũng như các trách nhiệm, nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán sao cho hợp lý, lợi cho mình nhưng cũng không khiến người khác “mất lòng”.

Muốn mua được với giá tốt, trong quá trình đàm phán, đừng để lộ ra rằng bạn đã/rất thích mảnh đất đó, tốt nhất là thể hiện sự do dự, cân nhắc bởi vị trí chưa đẹp, giá khá cao, nền đất chưa bằng phẳng – hơi yếu, không vuông vức,… Việc chỉ ra điểm trừ của khu đất sẽ đánh vào tâm lý người bạn, khiến họ dễ dàng hạ giá hơn. Đừng quá vồ vập, cứ khảo sát và so sánh với các khu đất lân cận để có cơ sở ngả giá tốt hơn cũng như “giấu” đi sự ưng ý của mình.

Trong quá trình thỏa thuận nội dung hợp đồng mua bán, đừng quá chú tâm vào quyền lợi của mình mà nên cân nhắc để cân bằng cho cả đôi bên, tạo tâm lý cởi mở, thoải mái để cuộc đàm phán “dễ thở” hơn.

Lưu ý khi mua đất trong hẻm

Đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng mua bán

Hợp đồng mua bán là cơ sở pháp lý quan trọng cho các thủ tục liên quan cũng như giải quyết tranh chấp (nếu có) sau này. Vì vậy, hợp đồng cần đảm bảo những nội dung do pháp luật quy định, đảm bảo về hình thức.

  • Hợp đồng phải được lập thành văn bản, không được viết tay.
  • Hợp đồng phải được công chứng.
  • Các thủ tục sang tên, điều khoản, giá cả, quyền và nghĩa vụ… tất cả các chi tiết có liên quan trong hợp đồng đều phải được ghi nhận cụ thể, chính xác trong hợp đồng.

Chữ ký trong hợp đồng mua bán đất

Mua đất xây nhà, đất thổ cư hay đất nông nghiệp, diện tích lớn hay nhỏ,… cũng cần phải có chữ ký của bên mua, bên bán và những bên liên quan trong hợp đồng.

Một hợp đồng có nội dung chặt chẽ vẫn có khả năng phát sinh tranh chấp khi không đảm bảo tính hợp pháp của các chữ ký. Tốt nhất, nên yêu cầu tất cả những người có liên quan đến việc mua bán ký vào giấy tờ, bao gồm: vợ chồng, bố mẹ, anh em, con cái trong gia đình theo sổ hộ khẩu nhằm tránh tranh chấp về tài sản sau đó.

Nếu là đất thuộc tài sản thừa kế thì trước khi giao dịch làm hợp đồng đặt cọc hãy yêu cầu các thành viên có quyền thừa kế ký tên vào biên bản đồng ý bán đất.

Thực hiện thủ tục công chứng, đăng ký biến động đất đai

Như đã đề cập, công chứng là điều kiện bắt buộc để giúp bảo vệ tính pháp lý của hợp đồng, hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra. Vì vậy, khi đã soạn thảo hợp đồng, đừng bỏ qua bước công chứng theo đúng quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Tham khảo thêm các quy định về hợp đồng tại Bộ Luật Dân sự 2015).

Ký kết hợp đồng nên có thêm yêu cầu lăn tay tại văn phòng công chứng để đảm bảo tính pháp lý tốt nhất và cũng nên giữ lại một bản ghi nhận việc giao nhận tiền.
Chỉ những người mua bán hợp pháp mới có thể thực hiện các thủ tục tại văn phòng công chứng, cẩn trọng với các trường hợp mua bán ủy quyền, mua bán bằng giấy tay,… Những trường hợp này người mua đa phần đều là bên chịu thiệt.

Kinh nghiệm mua đất xây nhà trên đây chỉ là sự tổng hợp từ những gì đúc kết trong thực tiễn. Việc mua bán nhà đất vốn muôn hình vạn trạng, trong quá trình giao dịch, chắc chắn sẽ nhiều vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, mấu chốt của việc mua đất xây nhà vẫn là sự thận trọng, kỹ lưỡng. Người mua cần hiểu rõ mình muốn gì, cần gì, sau đó mới từng bước đáp ứng các yêu cầu về pháp lý, vị trí, địa chất, thủ tục,… Vì vậy, hãy tự mình trang bị kiến thức hoặc tốt hơn, có thể tìm đến đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.

Xem thêm: