Lá lốt là nguyên liệu phổ biến thường được dùng để chế biến thành các món ăn thơm ngon, hấp dẫn như chiên, xào và đặc biệt là canh. Hương thơm đặc biệt cộng với cách nấu canh lá lốt khá đơn giản (từ nguyên liệu kết hợp cho đến cách chế biến) có lẽ vì vậy nó trở thành sự lựa chọn hàng đầu của chị em nội trợ khi muốn đổi vị cho gia đình. Để biết cách biến tấu lá lốt thành các món canh ngon, đừng bỏ lỡ những công thức được chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!
NỘI DUNG CHÍNH
Những điều nên biết về lá lốt
– Nguồn gốc
Cây lá lốt còn được gọi là cây Tất bát, thuộc họ nhà hồ tiêu. Cây thường mọc hoang hoặc được trồng nhiều quanh nhà ở những nơi ẩm ướt. Toàn cây (rễ, lá, cành) đều được dùng để làm thuốc, trong đó lá cây thường được sử dụng để chế biến các món ăn.
– Giá trị dinh dưỡng
Đông y cho biết, trong 100g lá lốt có chứa: Nước, protein, gluxit, chất xơ, canxi, phốt pho, vitamin C và nhiều dưỡng chất khác có lợi cho sức khỏe.
Tây y cũng cho biết lá lốt có nhiều công dụng hữu hiệu trong việc giảm đau, chống viêm nhiễm và kháng khuẩn.
– Công dụng
Công dụng chung:
- Phòng ngừa ung thư;
- Nâng cao sức khỏe của tim mạch;
- Cải thiện vấn đề răng miệng và xương khớp
- Chữa viêm xoang;
- Giảm đau, kháng khuẩn, kháng viêm;
- Đẩy lùi các bệnh về hệ tiêu hóa.
Đối với nam giới:
- Hỗ trợ chức năng sinh lý, kích thích sự ham muốn tự nhiên và hỗ trợ chuyện “yêu” được lâu hơn;
- Ngăn ngừa đau, chống viêm nhiễm, cải thiện tình trạng viêm nhiễm cơ quan sinh dục ở nam giới;
- Tăng cường trao đổi chất, giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.
Đối với nữ giới:
- Tốt cho mẹ bầu hoặc các bà mẹ đang có vấn đề về sữa;
- Trị tàn nhang cho da mặt, phục hồi da bị tổn hại do nám, tàn nhang, ngăn ngừa mụn xuất hiện;
- Hỗn hợp lá lốt + mật ong + nước cốt chanh + sữa chua không đường là mặt nạ làm trắng da vô cùng hiệu quả và an toàn.
Đối với trẻ em:
- Điều trị ngộ độc thức ăn;
- Trị bệnh tiêu chảy;
- Chữa rôm sảy.
Lá lốt nấu canh gì ngon?
– Canh lá lốt thịt bò
Canh thịt bò không phải là món ăn xa lạ trong mâm cơm của người Việt, nhưng canh thịt bò nấu với lá lốt thì bạn đã ăn thử bao giờ chưa? Nếu chưa thì đừng bỏ lỡ một món ăn tuyệt ngon và giàu dinh dưỡng cho gia đình mình nhé!
Nguyên liệu cần có:
- Thịt bò
- Lá lốt
- Tỏi củ, hành củ
- Gia vị
Sơ chế nguyên liệu:
- Hành và tỏi củ lột vỏ, băm nhuyễn.
- Thịt bò rửa sơ qua với một ít muối, sau đó rửa sạch lại với nước lạnh. Cắt thịt bò thành các lát mỏng, ướp thịt bò với một chút hạt nêm + đường + tỏi + hành trong khoảng 15 – 20 phút.
- Lá lốt rửa sạch, cắt sợi nhỏ.
Cách nấu canh:
- Phi thơm hành, tỏi với một chút dầu ăn, sau đó cho thịt bò vào xào chín. Nhớ xào trên lửa to và thật đều tay để thịt chín đều mà vẫn mềm ngọt. Vớt thịt bò ra để riêng.
- Sử dụng nồi vừa xào bò, cho một lượng nước vừa đủ vào nấu canh. Cho thêm một chút gia vị vào nồi, khuấy đều, đậy nắp và đun sôi.
- Nước sôi, cho lá lốt vào, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
- Cho thịt bò vào, đợi sôi trở lại thì tắt bếp.
- Múc canh ra tô, cho một ít tiêu xanh lên trên và thưởng thức.
– Canh cua nấu lá lốt
Canh cua nấu với rau đay, mồng tơi, rau ngót, rau muống hay hoa thiên lý đều rất ngon và quá phổ biến. Vậy còn canh cua với lá lốt thì sao, bạn đã thử bao giờ chưa? Món ăn này có vị ngon ngọt của cua đồng cộng với mùi thơm đặc trưng của lá lốt sẽ giúp bạn ăn một lần nhớ mãi không quên.
Nguyên liệu cần có:
- Cua đồng
- Lá lốt
- Hành củ
- Gia vị
Sơ chế nguyên liệu:
- Rửa cua nhiều lần với nước muối pha loãng cho đến khi nước cua trong là được. Tách bỏ yếm, mai cua ra riêng, dùng muỗng lấy sạch gạch cua cho vào chén. Thịt cua cho vào máy xay sinh tố cùng với một chút nước và xay nhuyễn. Sau đó cho thêm nước vào, lọc cua qua rây khoảng vài lần cho sạch, bỏ bã cua.
- Lá lốt rửa sạch, cắt nhỏ.
- Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, thái nhỏ.
Cách nấu canh:
- Phi thơm hành tím với một chút dầu ăn, cho gạch cua vào xào chín, cho nước cua đã lọc vào, đậy nắp và đun sôi.
- Nước sôi, cho lá lốt đã cắt nhỏ vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
- Canh sôi bùng trở lại thì tắt bếp, múc canh ra tô và thưởng thức.
– Canh lá lốt nấu tôm
Canh tôm là món ăn rất quen thuộc với người Việt bao đời nay. Tôm không kén nguyên liệu kết hợp cùng để tạo thành một món canh ngon ngọt, hấp dẫn. Từ các loại rau phổ biến như rau dền, rau muống, rau ngót,… cho đến các loại quả như bầu, bí, khổ qua,… hay thậm chí là các loại củ như khoai mỡ, củ cải trắng,… khi nấu cùng với tôm đều rất hợp. Bài viết hôm nay hãy tìm hiểu về cách nấu canh tôm cùng với lá lốt để xem món ăn này có gì đặc biệt nhé!
Nguyên liệu cần có:
- Tôm tươi
- Mít non
- Lá lốt
- Hành củ, tỏi củ
- Mắm ruốc
- Gia vị
Sơ chế nguyên liệu:
- Hành, tỏi bóc vỏ, cắt lát nhỏ.
- Tôm bóc vỏ, phần đầu tách ra để riêng, rút chỉ lưng (Xem: Cách lấy chỉ lưng tôm đơn giản nhất). Phần thịt tôm đem ướp với một chút hạt tiêu + muối + nước mắm, trộn đều và ướp khoảng 15 phút. Phần đầu tôm cho vào một chút muối + hành củ + tỏi củ rồi giã nhuyễn.
- Mít non gọt vỏ, bỏ cùi, ngâm vào nước lạnh để không bị thâm và ra bớt mủ, sau đó thái nhỏ vừa ăn.
- Lá lốt rửa sạch, cắt nhỏ.
Cách nấu canh:
- Phi thơm hành, tỏi với một chút dầu ăn, cho đầu tôm và thịt tôm vào xào chín. Cho một ít mắm ruốc vào xào cùng.
- Cho một lượng nước vừa đủ dùng vào nấu canh, đậy nắp và đun sôi.
- Nước sôi thì cho mít vào, đồng thời nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
- Tiếp tục cho lá lốt vào, đợi sôi trở lại thì tắt bếp.
- Múc canh ra tô và thưởng thức khi còn nóng.
Mách nhỏ: Bạn cũng có thể nấu canh lá lốt chay từ mít non mà không cần tôm, thay vào đó hãy cho thêm nấm để món canh được ngọt nước.
– Canh ngao nấu lá lốt
Bạn có thể nấu canh ngao dứa, canh ngao chua, canh ngao mồng tơi hoặc đổi vị với canh ngao lá lốt. Canh ngao ngọt đậm đà kết hợp với mùi thơm đặc trưng của lá lốt hứa hẹn sẽ là một món ăn cực kỳ tốn cơm.
Nguyên liệu cần có:
- Ngao
- Lá lốt
- Sả, tỏi củ, ớt
- Gia vị
Sơ chế nguyên liệu:
- Ngao rửa sạch, để ráo.
- Lá lốt rửa sạch, thái sợi.
- Sả, tỏi, ớt băm nhỏ.
Cách nấu canh:
- Cho dầu ăn vào nồi, dầu nóng thì cho sả, tỏi, ớt vào phi thơm.
- Cho ngao vào xào trong khoảng 1 phút, sau đó cho nước ngập mặt ngao rồi đun sôi.
- Nước sôi, ngao mở miệng thì cho lá lốt vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
- Múc canh ra tô và thưởng thức khi canh còn nóng.
Những lưu ý khi nấu và sử dụng lá lốt
Mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe tuy nhiên khi nấu canh lá lốt hoặc sử dụng lá lốt làm thực phẩm thì cần lưu ý:
- Chỉ dùng 50 – 100g/ngày, nếu dùng quá liều lượng thì sẽ gây ra hiện tượng nóng trong người;
- Người bị nhiệt miệng, đau dạ dày hoặc táo bón thì nên kiêng ăn lá lốt;
- Người có cơ địa yếu hoặc thường xuyên bị dị ứng thì nên cân nhắc khi sử dụng lá lốt, nếu có thì chỉ nên dùng với lượng nhỏ;
- Phụ nữ mang thai, cho con bú, bệnh nhân sắp hoặc đang trong quá trình phẫu thuật hay điều trị bệnh thì khi muốn sử dụng lá lốt nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Như vậy trên là 4 cách nấu canh lá lốt đơn giản, phổ biến nhất, cùng với đó là những lưu ý khi sử dụng lá lốt làm thực phẩm hy vọng đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Khi đã quá quen với các món canh “thuần Việt” như canh rau muống, canh rau ngót, canh rau dền, canh rau đay,… thì thỉnh thoảng hãy đổi “gió” với món canh lá lốt tuy quen mà lạ này nhé!
Xem thêm: