Cách nấu canh khổ qua không khó. Tuy nhiên, làm sao để giảm bớt vị đắng và giữ màu tươi xanh thì không hẳn ai cũng biết.
Trong số những món canh trên mâm cơm gia đình Việt, như: canh rau muống, canh rau dền, canh bầu, canh rau ngót, canh rau đay, canh chua cá lóc,… món canh khổ qua vốn là lựa chọn quen thuộc. Được đánh giá là mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng vị đắng của món canh này khiến nhiều người không quen. Vậy làm sao để nấu canh khổ qua không bị đắng, quá trình chế biến sao cho vẫn giữ được màu sắc đẹp mắt? Đừng bỏ qua bài viết này.
NỘI DUNG CHÍNH
Khổ qua và những lợi ích bất ngờ
Thành phần dinh dưỡng
Khổ qua hay còn gọi là mướp đắng, táo đắng, có tên khoa học là Momordica charantia; thuộc thực vật thân leo, mọc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khổ qua cùng họ với bầu bí và dưa chuột đồng thời cũng là loại quả đắng nhất trong các loại rau củ quả.
Xét về thành phần dinh dưỡng, khổ qua là loại thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất quan trong cho cơ thể. Tính trung bình, trong 100g khổ qua gồm có:
- Năng lượng: 21 kcal
- Nước: 93.95g
- Carbohydrate: 4.26g
- Chất xơ: 2.1g
- Vitamin C: 89.4mg
- Sắt: 0.77mg
- Vitamin A: 426 IU
Các thành phần như chất xơ, folate, vitamin A và C trong mướp đắng rất dồi dào. Ngoài ra, còn có các chất chống oxy hóa có lợi khác như catechin, axit gallic, epicatechin và axit chlorogenic, rất hiệu quả trong việc bảo vệ các tế bào khỏi bệnh tật, nhất là nguy cơ bị ung thư.
Một số công dụng của khổ qua
- Làm giảm lượng đường trong máu: khổ qua có thể cải thiện hàm lượng đường trong máu, tác động tích cực đến chỉ số của fructosamine và hemoglobin A1c.
- Ngăn ngừa ung thư: chiết xuất từ khổ qua có khả năng chống ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ruột kết, vòm họng,…
- Giảm cholesterol: các nghiên cứu chỉ ra, khổ qua làm giảm đi hàm lượng cholesterol toàn phần, nhất là cholesterol xấu LDL và cholesterol trung tính.
- Hỗ trợ quá trình giảm cân: khổ qua chứa nhiều chất xơ nhưng lại ít calo, rất hiệu quả trong việc giảm mỡ bụng. Vì vậy, ăn khổ qua trong giai đoạn giảm cân có thể giúp cảm giác no lâu, tránh sự thèm ăn.
Lưu ý khi ăn và chế biến khổ qua
- Việc ăn quá nhiều khổ qua trong thời gian ngắn cũng có thể gây hại cho sức khỏe, ví dụ như tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày,..
- Trong khổ qua vẫn chứa một số chất ảnh hưởng đến thai nhi, gây co thắt tử cung, sinh non, xuất huyết, thậm chí là hư thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên cẩn thận khi ăn khổ qua.
- Vì khổ qua tác động đến hàm lượng đường trong máu nên nếu đang sử dụng các loại thuốc hạ đường huyết, nên hạn chế ăn khổ qua.
Cách nấu canh khổ qua chuẩn vị, đẹp mắt
Cách nấu canh mướp đắng có thể biến tấu với nhiều công thức, nguyên liệu khác nhau. Nhìn chung loại thực phẩm này khá dễ tính để kết hợp. Cách nấu canh khổ qua ngon chính là vẫn giữ được vị đắng đặc trưng nhưng khi ăn lại không gây cảm giác khó chịu, mà lại pha chút ngọt, mặn hài hòa.
Cách nấu canh khổ qua không đắng
Vị đắng của khổ qua thực chất, theo y học, chúng là vị rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể can đảm thưởng thức được vị đắng ấy, thậm chí là thấy rất khó ăn, thành ra đôi khi chọn bỏ qua món ăn này.
Để khử bớt vị đắng của khổ qua, các chị em nội trợ cần biết rằng, vị đắng này xuất phát từ chính phần ruột và lớp màng trắng bao quanh ruột. Vì vậy, cách nấu canh khổ qua không đắng đơn giản nhất là khi sơ chế nguyên liệu, cần loại bỏ hoàn toàn phần ruột, bao gồm cả lớp màng trắng. Bạn có thể sử dụng một chiếc thìa nhỏ và cứng, khoét trọn phần ruột và cạo sạch.
Ngoài ra, sau khi làm sạch phần ruột, có thể ngâm khổ qua trong nước muối, nước đá hoặc chần sơ qua nước sôi để giảm bớt vị đắng hiệu quả hơn. Đặc biệt, khổ qua nấu chung cùng các nguyên liệu khác cũng có thể “lấn át” bớt vị đắng có trong quả.
Cách nấu canh khổ qua sao cho nước trong và ngọt thanh
Cách nấu canh khổ qua đơn giản, ngon miệng nhất, không gì tốt hơn là lựa chọn nước hầm xương để nấu. Tuy nhiên, khi hầm xương, nếu không biết cách, rất có thể khiến phần nước dùng bị đục, ngả màu tối.
- Trước khi hầm xương, nên chần qua nước sôi, sau đó vớt ra rửa sạch rồi mới mang xương đi hầm.
- Hầm xương xong thì lấy xương ra, chắt lấy phần nước để sử dụng.
- Khi cho khổ qua vào đun, cần để ý vớt bọt để duy trì độ trong của nước xương.
Trường hợp dùng nước thông thường để nấu thì bạn nên sử dụng các loại gia vị quen thuộc, trừ nước mắm, bởi nước mắm sẽ khiến canh bị chua và khó có thể có màu nước đẹp.
Cách nấu canh khổ qua xanh
Một trong những vấn đề nan giải khác của các chị em nội trợ là sau khi nấu xong, khổ qua thường chuyển qua màu hơi ngả vàng, không còn sắc xanh tươi như trước.
Điều này được lý giải là khi nấu lâu, nấu nhừ, chất diệp lục có bên ngoài vỏ bị phân giải khi gặp nhiệt độ. Vì vậy, cách nấu canh khổ qua xanh chính là rút ngắn thời gian nấu lại, càng ngắn càng tốt. Nhưng thực tế, có một số món, ví dụ như canh khổ qua nhồi thịt, sẽ rất khó để nấu nhanh.
Cách giải quyết bạn có thể tham khảo:
- Sau khi làm sạch ruột khổ qua, đun một nồi nước sôi. Khi nước sôi, cho vào 1 muỗng baking soda. Nước sôi lại thì cho tất cả khổ qua vào luộc sơ trong 5 phút.
- Bạn có thể thay baking soda bằng 5 thìa cà phê đường, 1 thìa muối. Quá trình luộc, dùng thìa tách miệng trái khổ qua để làm sạch cả phần bên trong, khử bớt vị đắng và lưu ý là mở nắp vung khi luộc.
- Luộc xong, vớt khổ qua vào tô nước lạnh, rửa sơ rồi để ráo.
Cách nấu canh khổ qua “đúng điệu” không phức tạp nhưng ít ai lại để ý đến. Thử áp dụng ngày để có món canh bổ dưỡng, đẹp mắt cho cả nhà cùng thưởng thức.
Xem thêm: