Những động thái tích cực thời gian gần đây đang nuôi hi vọng về sự cải thiện nguồn cung tại thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 2019 – 2020, nhà đất Tp. Hồ Chí Minh liên tục gặp áp lực khi nguồn cung có dấu hiệu giảm sút. Tuy nhiên, sau khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, thành phố kỳ vọng sẽ giúp cải thiện nguồn cung trong năm 2021. Lượng căn hộ mở bán dự kiến đạt từ 20.000 – 25.000 căn, tập trung chủ yếu ở phía Nam và phía Đông thành phố.
Sự hồi phục của nguồn cung căn hộ
Trong quý 1/2021, tổng số lượng căn hộ bán ra đạt gần 4.000 căn, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung giai đoạn này cũng có dấu hiệu phục hồi với con số 3.900 căn mở bán chính thức, tăng 73% cùng kỳ năm ngoái. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 2.468 USD/m2 trong quý I/2021.
Theo các chuyên gia, hiện nay quỹ đất trống trong trung tâm ngày càng hạn chế, trong khi cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa ngõ đã được hoàn thiện, điều này tạo ra nguồn động lực lớn để khách mua dồn về khu vực ngoại thành.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh – Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam cho biết: “Đối với loại hình bất động sản bán tại TP.HCM, nguồn cung vẫn còn hạn chế. Nguồn cầu của thị trường căn hộ 3 tháng đầu năm 2021 chủ yếu đến từ người mua ở trong nước do được hỗ trợ mặt bằng lãi suất ở mức khá thấp”.
Giá cao khiến nhà phố, biệt thự kén giao dịch
Theo các khảo sát cho thấy, giá các căn biệt thự và nhà phố đều dao động ở mức gần 50 tỷ đồng, mức giá này tạo ra sự hạn chế đối tượng đầu tư. Vì vậy mà người mua có xu hướng chuyển sang những phân khúc khác hấp dẫn hơn.
Bà Võ Thị Khánh Trang – Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM cho rằng, quỹ đất dành cho nhà ở thấp tầng tại Tp. Hồ Chí Minh đang giảm dần, vì vậy mà khách mua phần lớn đều đầu tư ra các tỉnh lân cận, nơi có nguồn cung lớn và mức giá phải chăng hơn.
Nhà phố và biệt thự trong tầm giá hơn 2 triệu USD rất khó để giao dịch, tỷ lệ khách hàng tiếp cận được rất hạn hẹp, dẫn đến tỷ lệ hấp thụ giảm dần.
Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: “3 năm tới, bất động sản nhà ở sẽ khan hiếm, hiện nay ở đô thị lớn, giá nhà ở khá cao và có vẻ trái quy luật. Lúc này, 20%, 30% mới chỉ là biểu hiện giai đoạn đầu tiên của tăng giá. Hai, ba năm tới, tốc độ này ngày càng cao và nếu chúng ta không điều chỉnh kịp thời, có thể dẫn tới bong bóng, đầu cơ – những hiện tượng không lành mạnh làm sốt giá nhà ở”.
Ông Võ Hồng Thắng – Trưởng phòng R&D DKRA Vietnam, cho biết, mặt bằng giá ở Tp. Hồ Chí Minh tăng trưởng trung bình từ 2-5%. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy rõ tín hiệu thị trường sốt đất hay giá ảo.
Hiện nay, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đang nỗ lực thực hiện đề án tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án, với kỳ vọng thay đổi này sẽ hỗ trợ nguồn cung theo hướng tích cực hơn.
Xem thêm: