Những phát minh nổi bật mùa Covid-19

Những phát minh nổi bật mùa Covid-19

Thời điểm dịch bệnh bùng phát, những lo lắng về thiếu hụt vật tư y tế hỗ trợ quá trình phòng – chống dịch, đã có nhiều phát minh trở thành điểm sáng.

Máy xét nghiệm sàng lọc Covid-19

Đây là phát minh của một nhóm nghiên cứu trong nước, tạo ra thành phẩm có giá chỉ bằng 1/10 so với các thiết bị nhập khẩu. Máy cho ra kết quả sau hơn 2 tiếng.

Thạc sỹ Ngô Quốc Nam (64 tuổi) và cộng sự tại Công ty TNHH MTV sinh hóa Phù Sa (Cần Thơ) đã cùng nhau hợp tác, phát triển mô hình máy xét nghiệm trên. Ông Nam đã có hơn 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sinh học phân tử. Công trình lần này lấy nền tảng từ dòng máy PCR và điện di tích hợp, sản xuất theo công nghệ Việt xuất khẩu sang Mexico vào năm 2018; nghiên cứu phát triển một thiết bị đọc Spotcheck SC48 hoạt động cùng với máy PCR giúp tầm soát người nhiễm Covid-19.

Máy xét nghiệm covid

Cơ chế hoạt động:

  • Thiết bị đọc Spotcheck với đầu đọc huỳnh quang thu nhận tín hiệu ở bước sóng 530 nm được phát ra bởi phức hợp DNA – Green Dye dưới kích thích của ánh sáng xanh (450 – 460 nm).
  • Sau phản ứng PCR, thiết bị đọc phân tích mẫu dựa trên sự kết hợp ánh sáng và nhiệt độ. Khi thu thập hình chụp độ sáng của từng mẫu PCR ở ba nhiệt độ khác nhau Spotcheck phân tích và đưa ra kết quả cuối cùng ở bốn dạng: P (Positive – dương tính), N (Negative – âm tính), R (Unresolved – không xác định) và E (Error- lỗi).

Thiết bị cho kết quả chỉ xác định được mẫu dương tính hay âm tính, còn nồng độ virus thì không xác định được.

Cabin chở bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly

Đây là phát minh do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Bách Khoa thực hiện thành công, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong công tác phòng chống dịch. Công trình được ThS. Đặng Xuân Thủy – giảng viên Khoa Cơ khí, ĐH Bách Khoa và nhóm nghiên cứu sáng chế cùng nhau hợp tác, nỗ lực hết mình trong mùa dịch.

Thiết kế của Cabin chở bệnh nhân Covid-19 có cấu tạo mô phỏng buồng áp lực âm, đảm bảo tuyệt đối không phát tán vi khuẩn ra không khí. Bên trong sản phẩm được trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị phun khử khuẩn, quạt hút gió, bình oxy, đèn chiếu sáng và đèn cảnh báo; còn có ghế ngồi hoặc lật nằm.

Cabin chở bệnh nhân

Cabin được chế tạo từ vật liệu bằng nhôm, có trọng lượng khoảng 80kg – mức trọng lượng dễ dàng di chuyển nhờ được kết nối với kéo tay hoặc xe máy điện hoặc kéo tay linh hoạt, trọng tải được hơn 100kg.

ThS. Đặng Xuân Thủy chia sẻ, tính ưu việt của sản phẩm này là vận chuyển bằng xe máy điện, nhanh chóng, nhẹ nhàng, phù hợp để sử dụng trong khu cách ly, giữa các khu nhà, khu chức năng hoặc trong khuôn viên các trung tâm y tế, bệnh viện,… ThS cho biết thêm: “Chi phí chế tạo sản phẩm ước khoảng 60 triệu đồng. Nếu sản xuất số lượng lớn, có thể giảm chi phí còn khoảng 50 triệu đồng”

Nhờ phát minh này, quá trình di chuyển bệnh nhân được đảm bảo an toàn hơn, giảm nguy cơ phát tán virus ra bên ngoài, tránh trường hợp lây nhiễm chéo.

Những phát minh nổi bật trong mùa Covid-19 đã hỗ trợ đáng kể cho quá trình phòng – chống Covid-19, cho thấy tinh thần dân tộc và sức sáng tạo đáng nể của người Việt.

Xem thêm: