Văn hóa Sài Gòn dưới góc nhìn xưa và nay

Văn hóa Sài Gòn dưới góc nhìn xưa và nay

Sài Gòn – vùng đất với bao thăng trầm trên chặng hành trình lịch sử, là nơi đã ghi kỷ niệm của biết bao phận người. Sài Gòn xưa và nay, những đổi khác theo vòng quay của quy luật vẫn không đánh mất đi nét đặc trưng vốn có của “miền đất hứa”.

Sài Gòn từ thuở xưa đã là trung tâm của sự tân thời, phố xá nhộn nhịp, kinh tế phát triển. Theo thời gian, nơi đây trở thành một trong những thành phố lớn nhất cả nước, kéo theo sự hiện đại và thay đổi không ngừng. Khách du lịch đến Việt Nam đều mong muốn một lần trải nghiệm nhịp sống Sài Thành, để thấy nơi đây náo nhiệt, thú vị và đậm chất miền Nam như thế nào.

Sài Gòn hôm nay khoác trên mình chiếc áo của phố thị với những dãy nhà cao tầng, khu trung tâm thương mại, khu vui chơi quy mô bậc nhất, cũng là nơi giao thoa những miền văn hóa khác nhau từ dân nhập cư. Văn hóa Sài Gòn giờ đây trở nên phong phú, đa sắc màu hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, có những nếp sống, nếp sinh hoạt vẫn còn được duy trì, chỉ là “thời đại mới” buộc chúng phải thay đổi để hòa nhập.

Văn hóa cà phê

Từ rất lâu rồi, cà phê đã hình thành dòng chảy đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn cả xưa và nay. Là loại thức uống du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XIX theo chân người Pháp, cà phê dần trở thành món đồ uống mang đậm tâm hồn, lối sống của người Việt.

Văn hóa cà phê cóc

Khác với Huế và Hà Nội, cà phê Sài Gòn xưa nổi tiếng với các quán cóc, thay vì là quán cà phê cổ kính hay sân vườn lộng gió. Quán có tuy đơn sơ, mộc mạc và bình dị nhưng lại rất Sài Gòn, rất hợp với lối sống phóng khoáng, có phần vội vàng của con người nơi đây. Bởi vậy mà chúng rất được người dân yêu thích.

Từ hẻm nhỏ cho đến các con đường lớn, chỉ cần đôi chiếc ghế con trên một góc vỉa hè là là đã có thể thưởng thức ly cà phê được pha tại chỗ bằng vợt hoặc pha phin, có màu nâu, thơm nồng. Khách uống có thể thêm đường, sữa tùy ý.

Cứ thế, người Sài Gòn tự bao giờ đã thân thuộc với những quán cà phê mang cái tên cũng dân dã không kém: cô Tư, chị Sáu, bà Ba, chú Bảy,… Nắng cũng như mưa, dòng người vẫn tấp nập nép vào bên vỉa hè, thưởng thức một ly cà phê đậm chất Sài Gòn, nhất là vào sáng sớm. Người Sài Gòn có thói quen bắt đầu một ngày mới bằng ly cà phê dậy vị.

Theo thời gian, những quán cà phê cóc vẫn còn đó nhưng Sài Gòn cũng đã bắt đầu đón nhận các mô hình mới đa dạng hơn, như: cà phê di động, mang đi. Rồi những quán cà phê độc và lạ như cà phê truyện tranh, cà phê sách hay cà phê thú cưng,… cà phê mang phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản,… cũng lần lượt ra đời. Các thương hiệu cà phê “ngoại” như Starbuck, Highland,… cũng dần có chỗ đứng trên thị trường.

Tuy nhiên, cà phê hay cà phê cóc vẫn là nét văn hóa đặc trưng không thể xóa nhòa trong tâm trí người Sài Gòn. Dù có hàng quán sang chảnh nhiều đến đâu cũng khó có được cảm giác của ly cà phê trên vỉa hè mộc mạc.

Văn hóa ẩm thực

Là nơi có dân tứ xứ đổ về nên ẩm thực của Sài Gòn cũng là bức tranh đa màu, đa vị. Mảnh đất này hội tụ những tinh hoa ẩm thực mà không phải nơi nào cũng may mắn có được.

Văn hóa ẩm thực

Trước những năm 1975, ẩm thực Sài Gòn là sự giao thoa, tiếp thu có chắt lọc của nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây. Ẩm thực đường phố Sài Gòn xưa cũng ồn ào, náo nhiệt như chính nhịp thở của thành phố này.

Ngày nay, ẩm thực Sài Gòn vẫn dựa trên sự hòa trộn giữa phương Đông với phương Tây, giữa hiện đại với truyền thống, mang tới nhiều món ăn đặc trưng hương vị của từng vùng miền, quốc gia. Trải khắp thành phố là những khu ẩm thực mà đặt chân vào là quên ngay lối về.

Sự năng động của Sài Gòn mang đến cho thành phố này một nét văn hóa đa dạng nhưng rất đặc trưng, không thể nhầm lẫn. Cứ thế, Sài Gòn vẫn nhộn nhịp với đời sống thường nhật và nuôi dưỡng những nét văn hóa đặc sắc theo thời gian.

Xem thêm: