Trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản: Những điều cần biết

Trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản: Những điều cần biết

Trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản được yêu thích và ứng dụng rộng rãi trong thời gian qua. Phong cách này mang đến màu sắc mới mẻ cho không gian sống, hướng đến sự tinh tế qua các lựa chọn đơn giản.

Nếu ai đã từng quan tâm đến cách trang trí nhà của người Nhật, có thể phần nào nhận diện được phong cách tối giản trong thiết kế nội thất. Khi xu hướng trang trí ngày càng nở rộ, con người có thiên hướng tìm kiếm các ý tưởng mang tính đột phá, mới lạ. Họ không ngại trải nghiệm những ý tưởng trang trí nhà đẹp, học hỏi theo các mẫu trang trí nhà, bỏ công tìm kiếm và lựa chọn từng món phụ kiện trang trí nhà,…

Với các phong cách trang trí nhà cửa, gia chủ có khá nhiều lựa chọn, từ trang trí nhà cửa theo phong cách vintage, một chút Retro, sang trọng với cổ điển, tân cổ điển hoặc hiện đại, thời thượng,… Mỗi phong cách mang đến một nét cuốn hút riêng cho không gian. Trong đó, tối giản cũng là đích đến của nhiều người.

Trải qua nhiều sắc màu sôi động trong cuộc sống, con người dần có xu hướng quay về với sự nguyên sơn, nguyên bản. Với họ, đơn giản đã là một sự nghỉ ngơi và xoa dịu. Không chỉ sống lành mạnh, nhẹ nhàng hơn, con người cũng muốn biến không gian sống trở nên tinh gọn, rộng rãi hơn. Tư duy này giúp cho trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản tiếp cận phổ biến hơn đến các gia đình, nhất là những bạn trẻ và người độc thân.

Phong cách tối giản trong trang trí nhà cửa là gì?

Phong cách tối giản, được gọi là Minimalism, vốn xuất hiện từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, phát triển mạnh mẽ vào những năm 1960 và 1970 thế kỷ 20. Ban đầu, phong cách này được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực hội họa, về sau mở rộng sang các lĩnh vực khác, như: âm nhạc, thời trang, kiến trúc, nội thất,…

Phong cách tối giản trong trang trí nhà ở, thiết kế nội thất chính là sự lược bỏ các chi tiết không cần thiết, sử dụng ít nhất những món đồ đạc. Phong cách tối giản lấy màu sắc, hình dáng và chất liệu làm yếu tố trọng tâm. Ở phong cách này, công năng quan trọng hơn là số lượng vật dụng, thứ gì không cần thiết thì có thể bỏ đi, giữ lại sự thoáng đãng, rộng rãi cho không gian.

Tối giản trong trang trí nhà ở

Vì vậy, khi nhắc đến phong cách tối giản (tối thiểu), chúng ta sẽ liên tưởng đến các nội dung cơ bản, như:

  • Sử dụng hình ảnh tự nhiên, đơn giản. Các thiết kế ở phương Đông, điển hình là Nhật Bản thể hiện rất rõ nét nguyên tắc này.
  • Vật dụng có hình dáng tinh tế, chất liệu mang màu sắc trung tính.
  • Tận dụng những đường thẳng và bề mặt sáng bóng để trang trí.
  • Cắt giảm tối đa số lượng phụ kiện, nội thất được sử dụng ở cùng một không gian.
  • Sử dụng các chất liệu như gỗ, sơn, bê tông, gach, đá,… dễ vệ sinh cho phần sàn.
  • Vật dụng trang trí ưu tiên làm bằng crom hoặc thép không rỉ.
  • Luôn có dự trù cho các khoảng không gian; không làm đầy bằng các món vật dụng.

03 nguyên tắc chính trong phong cách tối giản

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, sự ứng dụng trên thực tiễn dần hình thành nên bộ nguyên tắc chung để bất kỳ ai ứng dụng phong cách này cũng có nền tảng cơ sở để dựa vào. Muốn thể hiện đúng tinh thần của phong cách tối giản, nhất định không thể bỏ qua 03 nguyên tắc chính sau đây.

Less is more

Đây chính là nguyên tắc được đặt ra từ những ngày đầu phong cách tối giản xuất hiện. Less is more – Ít là nhiều; nguyên tắc này cho biết, mọi nội thất, vật dụng đều sẽ được giản lược tối đa, từ kích thước, chi tiết trang trí, đảm bảo sự gọn gàng, đơn giản nhất có thể. Theo đó, gia chủ cũng không chọn quá nhiều nội thất cho một không gian, những thành phần nào cần thiết, cân bằng được yếu tố thẩm mỹ và công năng sẽ được giữ lại.

Cũng giống như lối sống tối giản của người Nhật, họ chọn loại bỏ những món đồ không cần thiết hoặc ít khi dùng đến, không tiêu tốn tiền bạc vào việc mua sắm hàng loạt thiết bị trong khi chúng không thực sự cần phải có. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa, khi trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản, bạn sẽ “nghèo nàn” về nội thất. Thay vào đó, chúng ta lựa chọn những món đồ thiết kế thông minh và đa năng, gọn nhẹ, phù hợp với nhiều diện tích khác nhau.

Sử dụng nội thất thông minh giúp tổng thể giữ được sự cân đối, khoáng đạt, cắt giảm số lượng vật dụng nhưng vẫn đảm bảo tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Nguyên tắc trong phong cách tối giản

Không “tham” trong việc sử dụng màu sắc

Sự cắt giảm trong phong cách tối giản còn thể hiện qua nguyên tắc hạn chế sử dụng màu sắc, nói không với sự màu mè, sặc sỡ. Đồng ý rằng, những cặp màu bổ trợ, tương phản sẽ giúp không gian dễ nổi bật và đạt hiệu ứng ấn tượng tốt hơn. Tuy nhiên, trong phong cách tối giản, mục đích sau cùng hướng đến là sự nhẹ nhàng, nguyên sơ nên chỉ sử dụng tối đa 4 màu ở cùng một không gian, nhưng lý tưởng nhất là 3 màu, ưu tiên gam màu trung tính để tạo bước đệm cho nội thất.

Nếu muốn tạo ra sự tương phản, các kiến trúc sơ khuyên rằng nên sử dụng tone màu trắng cho các bức tường để ăn gian thị giác, tạo hiệu ứng thông thoáng, rộng rãi hơn cho không gian. Nội thất có thể sử dụng các màu trầm, tối hơn.

Luôn phải có yếu tố ánh sáng

Vì các chi tiết đã được lược bỏ đáng kể nên ánh sáng đóng vai trò như một yếu tố then chốt trong phong cách trang trí tối giản. Nhờ có ánh sáng, tính thẩm mỹ của không gian được cải thiện đáng kể, vì vậy, luôn cần phải có định hướng để lấy sáng hoặc có cách xử lý nguồn sáng hiệu quả nhất.

Ánh sáng tự nhiên tạo điểm nhấn thông qua các khu vực có bóng đổ của đồ vật; khi xuyên qua rèm cửa, các tấm bình phong hay len lỏi qua tán cây đều là có chủ đích – những yếu tố trang trí không hề gây tốn diện tích. Với ánh sáng nhân tạo, thiết kế đèn, màu ánh sáng phải được chọn lọc cẩn thận. Nói chung, muốn phong cách tối giản được thể hiện trọn vẹn, bắt buộc phải có yếu tố ánh sáng.

Phong cách tối giản mang lại lợi ích gì?

Không phải ngẫu nhiên mà sự đơn giản của phong cách này lại được lòng số đông gia chủ đến như vậy, bởi người ta vẫn thường mặc định rằng, cái gì đơn giản quá cũng rất dễ đơn điệu, nhàm chán. Tuy nhiên, giữa nhịp sống có phần hối hả, sự pha trộn của quá nhiều phong cách, lạm dụng những xu hướng mới khiến con người nhận ra giá trị thực của những điều tối giản.

Tất nhiên, phong cách tối giản không phải là đích đến của tất cả mọi người. Chọn trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản nếu bạn mong muốn tìm kiếm những điều sau.

Sống tối giản giúp cuộc sống thoải mái hơn

Sự thư thái, nhanh chóng trong cuộc sống bận rộn

Hãy thử tưởng tượng, sau một ngày dài làm việc trở về nhà, bạn phải chật vật với những món đồ ngổn ngang, lau chùi những ngóc ngách nhỏ khiến bạn sẽ mệt mỏi hơn đến mức nào?

Tuy nhiên, dù là ngôi nhà lớn hay căn phòng nhỏ với phong cách tối giản, nhờ vào đặc điểm ít đồ đạc, thoáng đãng nên việc làm sạch hay dọn dẹp cũng nhẹ nhàng, ít tốn thời gian hơn. Nhà là nơi chúng ta nghỉ ngơi, đừng để tốn quá nhiều công sức vào việc làm cho nó trở nên gọn gàng, thuận mắt hơn.

Sự tập trung cho công việc

Các nghiên cứu đã chỉ ra, khi trong một không gian có quá nhiều đồ vật sẽ khiến não bộ con người bị phân tán, khó tập trung vào một vấn đề gì đó, mặc dù chúng có được xếp gọn gàng đến mức nào. Điều này sẽ không xuất hiện trong phong cách tối giản vì theo đúng nguyên tắc, mọi thứ đã được lược bỏ tối đa.

Cảm nhận được giá trị thực của không gian

Khi trang trí, thiết kế một không gian, chúng ta hướng tới điều gì? Là sự bố trí đầy ắp các thiết bị hay cảm nhận của bản thân khi sống trong đó? Một không gian có giá trị là khi mang lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhõm sau 1 ngày làm việc trở về. Hoặc cả ngày sinh hoạt ở đó vẫn không thấy tù túng, bí bách. Nguyên tắc ánh sáng của phong cách tối giản giúp giải tỏa nguồn năng lượng xấu, kêu gọi sự cân bằng khi được hòa mình với thế giới bên ngoài.

Tiết kiệm một khoản tiền

Việc mua sắm không có chủ đích khiến con người tiêu tốn khoảng lớn tiền bạc để nhận về những món đồ ít khi dùng đến hoặc không biết dùng vào đâu. Khi trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản, bạn sẽ suy nghĩ nhiều hơn về việc chúng chiếm bao nhiêu diện tích, thực hiện được bao nhiêu công năng, chất liệu và độ bền ra sao,… Nhờ vậy, bạn tìm mua thứ mình cần hơn là chạy đua theo xu hướng trên thị trường.

Sống tối giản giúp tiết kiệm

Những yếu tố quan trọng khi trang trí theo phong cách tối giản

Bên cạnh tuân thủ đúng 3 nguyên tắc của phong cách tối giản, khi tiến hành trang trí, gia chủ nên lưu ý 1 số yếu tố quan trọng khác:

  • Bám sát tông màu chủ đạo: dựa trên tông màu chính của tường để lựa chọn màu nội thất, màu phụ kiện trang trí đi kèm.
  • Thống nhất về phong cách: nếu màu sắc đã tối giản thì thiết kế các món đồ nội thất, cách bài trí chúng cũng đơn giản nhất có thể; đừng vì sợ nhạt nhòa mà kết hợp cùng những phong cách khác.
  • Có 1 điểm nhấn nhất định: tổng thể không gian nên có 1 điểm để bố trí món nội thất có tính chú ý cao, chúng sẽ hỗ trợ làm nổi bật những món đồ xung quanh.
  • Xếp các món vật dụng tương tự gần nhau: những món đồ tương đồng về màu sắc, kiểu dáng, cách sử dụng,… khi được đặt gần nhau trông sẽ gọn gàng, đơn giản hơn nhưng vẫn có tính liên kết.
  • Hạn chế dùng thảm: thảm có thể khiến không gian rối hơn bởi họa tiết, chiếm 1 phần diện tích sàn nhà và thời gian để vệ sinh. Nếu cần thiết phải sử dụng, chỉ chọn những chiếc thảm đơn sắc, bề mặt trơn và kích thước lớn, chúng có thể giúp giảm cọ xát giữa nội thất và sàn nhà.
  • Không trang trí nghệ thuật: phong cách tối giản không thích hợp để treo những bức tranh hay món đồ có tính nghệ thuật, chúng chỉ nên là 1 vài món thay vì tận dụng cả bức tường như những phong cách khác.
  • Luôn cân nhắc khi thêm bất kỳ món đồ nào: việc xuất hiện thêm 1 món đồ đồng nghĩa với 1 phần diện tích sẽ bị chiếm dụng. Vì vậy, nên là thay thế hoặc lược bỏ để đảm bảo đúng tính chất của phong cách tối giản.

Không gian sống tối giản đầy tuyệt vời

Đằng sau trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản là không ít điều mới lạ được bật mí, thậm chí có người đang theo đuổi lối trang trí này cũng chưa hiểu hết được. Hy vọng các gia chủ sẽ biết cách tối giản hóa không gian sống của mình một cách hợp lý và hiệu quả.

Xem thêm: