Học hỏi từ cách trang trí nhà của người Nhật

Học hỏi từ cách trang trí nhà của người Nhật

Trang trí nhà của người Nhật cho thấy tư duy sống tối giản, khoa học, rất thú vị để chúng ta học hỏi và ứng dụng.

Trong trang trí nhà cửa nói chung, có rất nhiều phong cách để gia chủ lựa chọn, từ trang trí nhà theo phong cách vintage, trang trí nhà phong cách cổ điển, tân cổ điển đến trang trí mang hơi hướng hiện đại, trừu tượng, trẻ trung đậm chất Hàn Quốc,… Trong đó, trang trí nhà của Nhật cũng là một xu hướng đáng để chú ý.

Nhắc đến người Nhật, chúng ta thường nghĩ ngay đến nếp sống gọn gàng, đơn giản và có phần hơi quy củ. Kiến trúc Nhật luôn gợi lên cảm giác gần gũi, mộc mạc nhưng lại không hề đơn điệu, chúng mang tới sự gắn kết với vẻ đẹp thuần khiết, ban sơ.

Cách trang trí nhà của người Nhật là bài học sống động về lối sống tối giản. Cùng xem họ đã tối giản như thế nào trong việc làm đẹp không gian sống, liệu chúng sẽ học hỏi và ứng dụng được những gì?

Đôi nét về lối sống tối giản của người Nhật

Lối sống tối giản được người Nhật gọi là Danshari – một trong những cách giải thoát khỏi áp lực của cuộc sống, xuất hiện sau thời gian dài các thảm họa thiên nhiên liên tục xảy ra và đang dần trở thành xu hướng tại quốc gia này cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

03 ký tự có trong lối sống này, là Dan – Sha và Ri, mỗi ký tự có 1 ý nghĩa và nguyên tắc trong cách ứng dụng. Nhưng nhìn chung, Danshari hướng đến một cuộc sống đơn giản, gỡ bỏ nỗi ám ảnh tâm lý về vật chất, vứt đi những thứ không cần thiết để xoa dịu áp lực bên trong tâm hồn, sống bình an và tự do.

Có 3 nguyên tắc chung đối với Danshari, đó là:

  • Những vật dụng không cần thiết thì từ chối mang về nhà.
  • Trong nhà, những thứ vướng víu, không dùng tới thì sẽ vứt đi.
  • Tránh xa những cám dỗ liên quan để mua sắm vật chất.

Sự tối giản trong lối sống của người Nhật

Theo đó, mỗi ký tự trong Danshari cũng có những “nguyên lý” riêng:

Dan (mang nghĩa từ chối)

  • Giảm chi phí mua sắm tối đa, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết cho nhu cầu sống của chính mình.
  • Thay vì đi mua quà, hãy ưu tiên tìm những món quà có thể thay thế.
  • Bảo mật thông tin cá nhân, không tùy tiện cung cấp nó cho các cửa hàng, không nhận hay đăng ký nhận thư, chương trình mua sắm từ các bên cung cấp dịch vụ, sản phẩm,…
  • Từ chối luôn việc nhận hàng miễn phí, mọi thứ được tiếp nhận phải dựa trên nhu cầu thực sự.

Sha (mang nghĩa vứt bỏ)

  • Vứt bỏ ít nhất 1 món đồ không dùng đến mỗi ngày, xóa bỏ thói quen giữ đồ đạc chỉ vì tiếc mà đôi khi không dùng hoặc thậm chí quên luôn cả sự hiện diện của chúng.
  • Trong tủ quần áo, chỉ giữ những món hay dùng đến, còn không hãy vứt bỏ.
  • Xem xét cả phòng bếp và cho đi những dụng cụ mình không dùng đến.

Ri (mang nghĩa tránh xa)

  • Trong cuộc sống, chỉ cần vừa đủ
  • Không gian là yếu tố quan trọng hơn so với đồ vật.

Người Nhật trong không gian sống của mình, họ chỉ sử dụng để chứa những món đồ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Căn nhà càng có nhiều khoảng trống, tinh thần của họ càng thoải mái, dễ chịu.

Nhiều người cho rằng, một không gian sống quá ít đồ đạc sẽ dễ trở nên trống trải, lạnh lẽo. Tuy nhiên, người Nhật lại đi ngược hoàn toàn với quan điểm đó. Họ đơn giản cũng là lúc họ trút bỏ gánh nặng tâm lý về các khoản chi phí cho các món đồ, có thêm thời gian để nghỉ ngơi, đi du lịch. Mặc dù đơn giản, vứt bỏ kha khá thứ nhưng họ luôn biết cách dừng ở chữ “đủ”, nghĩa là mọi sinh hoạt vẫn phải được đảm bảo, không bị thiếu thốn hay bất tiện.

Danshari trong trang trí nhà của Nhật

Lối sống tối giản được ứng dụng khá rõ nét trong việc thiết kế và trang trí nhà ở của người Nhật. Có thể thấy, họ sử dụng rất ít nội thất, màu sắc cũng như các món phụ kiện trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, khi đã sử dụng món đồ nào thì món đồ đó cũng xuất hiện một cách đắt giá. Họ không tùy tiện mua sắm theo sở thích, họ chọn những thứ cần và vừa vặn với không gian.

Nhà cửa của người Nhật phần lớn đều có tính ứng dụng rất cao. Trang trí nhà của Nhật có nhiều khía cạnh để khai thác, tuy nhiên, điểm gây ấn tượng lớn nhất vẫn luôn là sự gọn gàng, tinh tế và không kém phần hiện đại.

Vì vậy khi sắp xếp không gian sống, người Nhật rất chú trọng vào các yếu tố đặc trưng sau.

Sự đơn giản

Như đã đề cập, đây chính là sự ảnh hưởng của lối sống tối giản, làm thay đổi tư duy, kéo theo xu hướng trang trí nhà cửa cũng phải thật đơn giản. Họ có thể cầu kỳ trong ý tưởng, chi tiết trong kế hoạch nhưng thể hiện ra bên ngoài luôn là thứ gì đó dễ hiểu, dễ cảm nhận nhất.

Do đó, người Nhật sử dụng màu sắc hay kiểu dáng của nội thất đều là các lựa chọn cơ bản, không rườm rà. Mục đích sau cùng là sự hài hòa và tinh tế của tổng thể không gian.

Sự độc đáo

Đơn giản nhưng không đơn điệu chính là tinh thần của người Nhật. Có thể các món đồ nội thất được sử dụng không nhiều, không cầu kỳ nhưng lại được bày trí đậm tính nghệ thuật, phù hợp với từng mảng không gian khác nhau. Cách trang trí nhà của người Nhật mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó là lý do vì sao các căn nhà ít hay nhiều đều có sự khác biệt, nét riêng của mình.

Nhà người Nhật đơn giản nhưng độc đáo

Không gian linh hoạt

Những căn nhà của Nhật không quá lớn, họ cũng rất hạn chế sử dụng vách ngăn. Mục đích chính là tạo ra cảm giác thông thoáng, rộng rãi hơn. Vì vậy, họ luôn tìm cách để đa năng hóa cho món đồ nội thất cũng như các không gian chức năng khác nhau. Trong trang trí nhà của Nhật, thật khó để cảm thấy chật chội hay bí bách.

Tự nhiên và gần gũi

Người Nhật rất thích việc sống gần gũi với thiên nhiên, vì vậy, họ luôn có một khu vườn nhỏ hoặc bố trí 1 tiểu cảnh nhỏ trong nhà. Thông thường sẽ thấy người Nhật đặt những cây được cắt tỉa gọn gàng cạnh một hồ nước nhỏ, xung quanh xếp rất nhiều sỏi.

Nhà Nhật truyền thống bao giờ cũng có phần hiên ở các phòng chức năng, nhìn ra không gian bên ngoài. Khi diện tích sống bị thu hẹp, họ khắc phục bằng cách sử dụng cửa sổ kính, giếng trời để đón nhận ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, các vật liệu như nội thất mây tre, giấy, sàn gỗ,… được ứng dụng nhiều hơn để tạo cảm giác chân thực, mộc mạc và gần gũi.

Bước vào những căn nhà của người Nhật, nhìn vào cách trang trí của họ, ta luôn nhận thấy một cảm giác gì đó rất thân thuộc, bình dị và an yên, tĩnh lặng giống như cách họ sống và tận hưởng cuộc sống này.

Trang trí gần gũi với thiên nhiên

Chiều cao của nội thất

Người Nhật rất chú ý đến yếu tố này khi trang trí nhà cửa. Với những ngôi nhà theo phong cách truyền thống, người Nhật luôn tìm cách để tiết chế tối đa chiều cao của nội thất; họ chú trọng về tổng thể hơn là tập trung điểm nhấn vào các món đồ.

Với nhà ở theo phong cách hiện đại hơn, chiều cao ngôi nhà được cải thiện thì các món đồ nội thất có phần chân thấp được lên ngôi, bởi phù hợp với thói quen sinh hoạt và sử dụng của người Nhật. Đặc biệt, thiết kế này còn giúp không gian trở nên thoáng đãng hơn. Khác với người Việt chúng ta, rất hay chọn nội thất cao, có khoảng cách gầm lớn để tiện vệ sinh, di chuyển.

Ưu tiên những gam màu dịu dàng

Người Nhật hiếm khi chọn những tông màu sáng, rực rỡ hay đối chọi nhau để trang trí cho nhà cửa, bởi lẽ chúng không phù hợp với vẻ đẹp tinh tế mà kiến trúc này hướng đến. Các gam màu thường thấy là nâu gỗ, kem, màu sữa hoặc trắng trong,… đều là những gam màu nhã nhặn. Các chi tiết trang trí khác hầu hết là hình tượng hoặc hình ảnh trong các tranh vẽ.

Những món đồ nội thất đặc trưng phong cách Nhật

Rất nhiều người Việt hiện nay học hỏi theo lối sống tối giản và ứng dụng chúng vào trang trí nhà cửa, theo đuổi gu thẩm mỹ đầy tinh tế của người Nhật. Một số gia đình cải tạo toàn bộ về mặt kiến trúc lẫn không gian. Số khác lại “học hỏi từng phần”, lựa chọn những yếu tố phù hợp để cải thiện không gian, chất lượng sống cho gia đình mình.

Để trang trí nhà ở theo đúng chuẩn người Nhật không hề đơn giản bởi chúng ta không phải ai cũng có đủ điều kiện về quỹ đất lẫn tài chính. Tuy nhiên, để mang màu sắc Nhật Bản vào đời sống thì không quá khó. Ngoài sự gọn gàng, đơn giản, lựa chọn chất liệu, sắp xếp bố cục, có những món đồ được xếp vào danh sách “rất đáng mua”.

Đèn shoji

Đây là chiếc đèn đậm chất Nhật Bản. Loại đèn này bao gồm khá nhiều loại cho các không gian khác nhau: đèn treo, đèn chiếu tranh, đèn trần, đèn ngủ,… Đèn được làm thủ công từ giấy Shoji với phần khung bằng gỗ hoặc tre, thân thiện và gần gũi. Ánh đèn vàng dịu nhẹ làm ấm không gian, một chút thô mộc nhưng vô cùng độc đáo.

Đèn shoji

Chiếu tatami

Được làm từ cói và vải nên chiếu tatami rất thoải mái, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp khi đông đến. Người Nhật sử dụng chiếu tatami để ngồi chơi tiếp khách hoặc nằm nghỉ ngơi. Loại chiếu này tạo cảm giác gần gũi với tự nhiên, mộc mạc và cũng khá hiệu quả nếu muốn dùng để phân tách các khu vực chức năng, chuyển tiếp không gian một cách tự nhiên.

Bàn trà gỗ

Người Nhật thường có thói quen uống trà và tiếp khách trên những chiếc bàn thấp, ghế xếp tựa lưng hoặc đệm ngồi thấp phía dưới. Họ chọn những chiếc bàn gỗ vừa vặn với kích thước căn phòng, màu gỗ tự nhiên và kiểu dáng vô cùng đơn giản.

Bàn trà gỗ

Rèm cửa đơn giản

Khác với các loại rèm cửa thường thấy, người Nhật sử dụng rèm mành, kích thước mỗi tấm khá nhỏ nên thường ghép nhiều tấm với nhau để che chắn cho phòng khách, bếp hoặc phòng tắm,… Kiểu rèm này tương đồng với xu hướng trang trí của người Nhật, đơn giản, tiện lợi và gần gũi.

Nệm ngồi

Đi cùng với bàn gỗ thấp là những chiếc nệm ngồi êm ái, vừa là đồ trang trí, vừa là một phần nội thất quan trọng, vì ngoài bàn trà, chúng còn có thể sử dụng cho bàn ăn. Nệm ngồi có thể dạng hình chữ nhật hoặc tròn, may dày, vải lụa bọc gấm để thoải mái khi sử dụng. Hoa văn sử dụng khá tinh tế, tỉ mỉ trong đường kim mũi chỉ và có màu sắc hài hòa với màu các nội thất khác.

Nệm ngồi kiểu Nhật

Bình phong

Người Nhật thường dùng cửa kéo hoặc các tấm bình phong để che chắn giữa các không gian. Những tấm bình phong này gọn nhẹ, khung gỗ, sử dụng giấy shoji, trên đó vẽ các họa tiết đẹp mắt. Các bức vẽ này còn có thể mang đến giá trị về mặt phong thủy cho gia chủ.

Bình phong trang trí

Trang trí nhà của người Nhật là sự đúc kết của một lối sống, lối tư duy mới mẻ, mở đường cho xu hướng kiến tạo sự tinh tế từ những gì đơn giản nhất. Ứng dụng cách trang trí này có thể giúp gia chủ sở hữu không gian sống khoa học, độc đáo và thoải mái hơn rất nhiều.

Xem thêm: