Kinh nghiệm mua nhà trả góp an toàn, ít áp lực

Kinh nghiệm mua nhà trả góp an toàn, ít áp lực

Mua nhà trả góp là phương án của số đông cá nhân hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm mua nhà trả góp, những áp lực về tiền vay – lãi suất và các rủi ro vẫn có thể xảy ra.

Kinh nghiệm mua nhà không chỉ là các vấn đề liên quan đến vị trí, pháp lý, chất lượng công trình,… câu chuyện về tài chính luôn là bài toán khó của không ít người. Việc mua nhà khi có sẵn nền tảng kinh tế tốt, dư dả là điều mà nhiều người mong muốn. Tuy nhiên, trong trường hợp không cho phép, để đáp ứng được nhu cầu an cư, người mua xem trả góp là phương án lựa chọn tối ưu nhất.

Vậy mua nhà trả góp như thế nào, cần lưu ý các vấn đề gì, bản chất của cách làm này có thực sự an toàn hay không? Hãy cùng bài viết này tìm lời giải đáp và bỏ túi cho mình những kinh nghiệm đắt giá.

Mua nhà trả góp là gì? Bản chất của nhà trả góp

Mua nhà trả góp là thuật ngữ dùng để chỉ các giao dịch nhà ở mà trong đó, người mua có thể sở hữu bất động sản nhưng không cần trả trước đủ 100% giá trị của bất động sản ấy. Người mua chỉ cần bỏ ra từ 25% – 30% hoặc tùy theo khả năng tài chính, cũng có thể 30% – 40% hoặc hơn, phần còn lại sẽ được ngân hàng hỗ trợ cho vay theo các khoản dài hạn (10, 15, 20 năm,…).

Các khoản vay được thế chấp bởi chính bất động sản đang được mua bán hoặc tài sản đảm bảo khác (sổ tiết kiệm, giấy tờ có giá, quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật).

Như vậy, về bản chất, mua nhà trả góp chính là một cách giảm bớt áp lực trả tiền một lần để sở hữu bất động sản, tận dụng đòn bẩy tài chính từ phía ngân hàng để “chia nhỏ” tiền mua theo khả năng trong thời hạn mong muốn.

Ưu và nhược điểm của mua nhà trả góp

Bất kể một hình thức nào, dù tối ưu đến đâu cũng có những ưu điểm và hạn chế. Mua nhà bằng hình trả góp cũng vậy, người mua có thể giải quyết câu chuyện “thiếu vốn” một cách nhanh chóng nhưng đồng thời phải có tầm nhìn và kế hoạch trong dài hạn hơn.

Kinh nghiệm mua nhà trả góp khuyên rằng, bạn nên hiểu và cân nhắc kỹ được – mất khi áp dụng hình thức này.

Những điều cần biết khi mua nhà trả góp

Ưu điểm của mua nhà trả góp

Thứ nhất, ưu điểm dễ nhận thấy của mua nhà trả góp – cũng chính là lý do nhiều người muốn lựa chọn chính là giải quyết nhanh chóng vấn đề tài chính khi mua bất động sản. Bạn sẽ không cần phải chờ đợi, tích cóp cho đủ số tiền; không cần đi vay nhiều nơi, nhiều nguồn,… Điều này đánh trúng vào tâm lý của người mua nhà, chi trả từng phần trong thời gian dài giảm bớt áp lực về tiền bạc, chia nhỏ gánh nặng và có nhiều cách để cải thiện thu nhập hơn trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu an cư cũng như các sinh hoạt thiết yếu.

Thứ hai, thủ tục vay mua nhà trả góp nhanh chóng, đơn giản, được các bên rõ ràng về chính sách từ trước. Đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, hoàn thiện hồ sơ cần thiết dựa trên cam kết, yêu cầu của các bên.

Thứ ba, mua nhà trả góp có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, thuận tiện cho công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí. Bạn hoàn toàn được lựa chọn đến trực tiếp, thanh toán online hoặc được nhân viên phục vụ tại nhà.

Thứ tư, bạn làm chủ thời gian, lựa chọn các gói vay với thời hạn, kỳ thanh toán theo điều kiện riêng của cá nhân.

Thứ năm, chính sách mua nhà trả góp ngày càng hấp dẫn nhờ sự chịu thay đổi của các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính nhằm tăng sự cạnh tranh trên thị trường. Không hiếm người mua nhà được hỗ trợ trả góp với 0% lãi suất.

Nhược điểm của mua nhà trả góp

Thứ nhất, về ngắn hạn, mua nhà trả góp giải quyết được 1 số tiền đáng kể cho việc mua bán. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài thì bạn đang phải mua sản phẩm cao hơn so với thanh toán một lần vì khoản tiền lãi hàng tháng trong suốt thời gian vay. Khoản vay càng kéo dài, người mua sẽ càng thiệt thòi. Vì vậy, bắt buộc phải có sự tính toán cẩn thận đối với các khoản vay trả góp.

Thứ hai, có thêm những khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay vốn trả góp. Dù không quá nhiều nhưng cũng là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch tài chính.

Thứ ba, những khoản tiền phạt cũng là áp lực. Nhiều người mua bị phạt tiền vì vi phạm hợp đồng, lý do là chậm trả tiền gốc và lãi theo thỏa thuận hàng tháng, cũng bởi các khoản chi tiêu – thu nhập trong tháng đó không thể cân đối. Trường hợp nặng hơn có thể bị truy tố theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, những cuộc gọi nhắc nhở có thể làm phiền hoặc ảnh hưởng đến tâm lý người vay. Ngoài ra, nếu làm mất các loại giấy tờ liên quan đến mua bán, thanh toán nợ cũng gây mất thời gian không kém.

Thứ năm, luôn phải có sẵn phương án để đảm bảo giữa việc thu chi với nghĩa vụ trả nợ hàng tháng. Điều này đòi hỏi người vay phải có khả năng duy trì tính ổn định ở nhiều góc độ, ít nhiều cũng sẽ tạo ra thêm gánh nặng về mặt tâm lý.

Những lưu ý quan trọng khi mua nhà trả góp

Mua nhà dựa trên khả năng tài chính

Không phải cứ mua nhà trả góp, được hỗ trợ những khoản vay hấp dẫn thì bạn có thể tự do lựa chọn bất động sản, thậm chí nhiều người còn mạnh tay mua những ngôi nhà có giá trị cao. Nên nhớ rằng, mua trả góp chỉ là một hình thức giảm bớt áp lực tài chính, giải quyết vấn đề về vốn ở thời điểm mua bán, số tiền bạn vay luôn được tính lãi và bắt buộc phải hoàn trả.

Mua nhà vẫn phải dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: phù hợp nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân. Bạn phải biết khả năng kinh tế cố định của mình như thế nào, có thể cải thiện thu nhập ở mức nào, ngưỡng an toàn có thể đáp ứng được là bao nhiêu,… Đừng bao giờ chạy theo những ngôi nhà mà bạn phải còng lưng trả nợ hoặc suốt ngày suy nghĩ về tiền lãi.

Phương án tốt nhất là nên chọn những ngôi nhà trả góp có chi phí không vượt quá 30% thu nhập mỗi tháng. Để biết được điều này, cần rõ ràng trong việc hoạch định những chi phí cần thiết trong tháng, với mỗi loại hình nhà ở, khu vực sinh sống sẽ có các khoản phí phát sinh, số tiền bỏ ra khác nhau.

Ngoài ra, quy tắc 28/36 cũng được khuyên dùng: chi phí cho nhà ở không quá 28% tổng thu nhập hàng tháng và không chi quá 36% cho tổng số nợ (nghĩa là tất cả các khoản vay).

Vay mua với tỷ lệ hợp lý

Việc chọn tỷ lệ vay đóng vai trò rất quan trọng, giúp người mua nhà tránh được tình trạng vỡ nợ, chọn khoản vay quá sức với mình. Khi tỷ lệ thanh toán càng nhỏ, khoản vay càng lớn thì phần lãi phải trả sẽ càng nặng nề và hồ sơ cũng khó được duyệt hơn. Theo các chuyên gia, tỷ lệ vay lý tưởng nhất là 20%, chỉ chọn thấp hơn nếu vay ngắn hạn nhưng cũng không thật sự khuyến khích điều này.

Chọn thời hạn vay phù hợp

Thực ra các thời hạn vay hiện có tại các ngân hàng đều hướng đến những đối tượng người vay nhất định, có ưu điểm và cũng có hạn chế, chỉ là chọn sao cho phù hợp với nhu cầu của cá nhân. Nhiều người có tâm lý chọn khoản vay ngắn hạn vì nghĩ rằng như vậy sẽ rút ngắn thời gian trả nợ nhưng lại đang vô tình tạo ra áp lực tài chính hàng tháng lớn hơn, bạn phải gồng mình để duy trì và tăng thu nhập, “căng não” để hạn chế mọi rủi ro. Vì vậy, nên cân nhắc thu nhập thực tế và số tiền vay để chọn thời hạn phù hợp.

Nắm vững về lãi suất ngân hàng

Trong mua nhà trả góp, cần biết về các quy tắc vàng, rằng mọi khoản vay thường bị ngân hàng áp dụng lãi suất thả nổi hoặc biên độ thay đổi định kỳ từ 6 – 12 tháng/lần. Ở thời điểm người mua có ý định vay, ngân hàng sẽ đưa ra các gói lãi suất cực kỳ ưu đãi, từ 8 – 9%/năm nhưng chỉ là trong 6 – 12 tháng đầu tiên; sau đó người vay sẽ phải chịu mức điều chỉnh cao hơn mức cũ từ 4%.

Do đó, xem xét biến động lãi suất trong các năm về sau là điều cần lưu ý khi có ý định vay mua nhà trả góp.

Đảm bảo ổn định và duy trì được thu nhập để luôn chủ động

Quá trình sau khi vay mua nhà rất quan trọng, và điều kiện tiên quyết để không bị gánh nặng về tâm lý chính là có nguồn thu nhập ổn định, chi tiêu cân đối, đảm bảo thanh toán đúng hạn nhưng vẫn đủ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Tốt hơn, bạn có thể tìm được cách nhằm tăng thêm thu nhập. Giai đoạn này có thể sẽ cần nỗ lực hơn một chút để phòng khi có biến cố, bạn vẫn chủ động ứng phó.

Những khoản vay dài hạn đôi lúc khiến người vay mệt mỏi, vì vậy nếu có thể, hãy cố gắng để tất toán nợ trước hạn, càng sớm càng tránh được biến động lãi suất lớn diễn ra trên thị trường. Đó là lý do vì sao người vay từ đầu nên chọn gói vay, thời hạn vay phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

Quan tâm đến lãi suất phạt

Trong 5 năm đầu tiên, khi thanh toán dứt nợ, người vay sẽ bị phạt trả trước nhưng trong số 80% khách hàng rất hiếm người để ý đến. Mỗi ngân hàng đều sẽ có các chính sách phạt trả nợ trước hạn khác nhau nên người vay phải đọc, cân nhắc kỹ các điều khoản, thông tin được cung cấp. Trả nợ trước hạn bị phạt từ 1 – 3% (mức khá nặng) vì ngân hàng mới có thể bù lỗ cho mức ưu đãi ban đầu. Mặc dù vậy cũng không nên tiếc khoản tiền này khi bạn đủ khả năng để trả nợ trước hạn vì nguyên tắc vẫn là trả nợ càng sớm càng tốt.

Nên mua bảo hiểm cho căn nhà

Thường thì rất hiếm ai chú trọng đến việc mua bảo hiểm, thậm chí không quan tâm đến. Tuy nhiên, kinh nghiệm mua nhà trả góp cho rằng, đây chính là yếu tố rất hữu ích, hạn chế được những rủi ro bất ngờ đối với bất động sản. Phí mua bảo hiểm chỉ rơi vào tầm 0,14% giá trị căn nhà/năm. Đây là khoản phí rất đáng để bỏ ra.

Các lưu ý khi mua nhà trả góp

Đọc kỹ hợp đồng trước khi ký

Trước khi ký vào bất kỳ loại giấy tờ nào, nhất là hợp đồng vay vốn ngân hàng, cần tìm hiểu kỹ từng hạng mục, từng nội dung được thể hiện trong đó. Các hợp đồng vay thường khá nhiều nội dung, nhưng không hẳn ai cũng đủ kiến thức để nhận biết những nội dung pháp lý quan trọng. Vì vậy, cố gắng dành thời gian để đọc và làm rõ những gì còn thắc mắc để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của chính mình. Chắc chắn điều này sẽ giúp bạn biết được mình có quyền gì, nghĩa vụ như thế nào và những khoản phí phát sinh khác là bao nhiêu, có hợp lý hay không.

Chuẩn bị kỹ cho chấm điểm tín dụng

Các yếu tố như thu nhập, uy tín cá nhân, các khoản nợ hiện tại, định danh qua giấy tờ cá nhân, mức độ trung thực,… là cơ sở để các ngân hàng chấm điểm tín dụng cho người vay. Khi điểm càng cao thì khoản vay càng dễ dàng và thuận lợi. Vì vậy, người mua nên chuẩn bị thật kỹ hồ sơ nếu muốn tiết kiệm thời gian.

Các quy định pháp luật, thủ tục mua nhà trả góp

Đây cũng chính là kinh nghiệm mua nhà trả góp cần phải biết dành cho cá nhân người mua. Mặc dù hồ sơ, thủ tục phần lớn đều có nhân viên hỗ trợ nhưng cá nhân người đi mua, đi vay vẫn phải tự mình trang bị kiến thức.

Điều kiện để vay mua nhà trả góp

Hiện nay, ngoài các gói vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với thời hạn 5 – 10 – 15 – 20 năm thì nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng những khoản vay dài hơi hơn, từ 25 – 30 năm. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho người mua nhà trả góp, trong đó 10 và 20 năm là khoảng thời hạn vay khá lý tưởng. Mỗi thời hạn này tương ứng với các điều kiện vay khác nhau.

Vay mua nhà trả góp 10 năm

  • Khách hàng là công dân Việt Nam, có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự
  • Có độ tuổi từ 20 tuổi đến dưới 60 tuổi (đối với nữ) và 65 tuổi (đối với nam)
  • Có hộ khẩu/KT3 tại tỉnh/thành phố nơi ngân hàng cho vay có trụ sở
  • Có thu nhập thường xuyên, ổn định đảm bảo trả nợ đúng hạn
  • Có tài sản đảm bảo phù hợp với yêu cầu của ngân hàng cho vay
  • Không có nợ xấu tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào
  • Đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của tổ chức cho vay

Vay mua nhà trả góp 20 năm

  • Có độ tuổi trên 18 tại thời điểm vay vốn và dưới 65 tuổi tại thời điểm tất toán khoản vay, nghĩa là ở thời điểm vay phải đảm bảo trên 18 tuổi và dưới 45 tuổi.
  • Sinh sống tại địa bàn nơi có chi nhánh ngân hàng cho vay vốn, có lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng.
  • Trường hợp đã có khoản vay khác, ngân hàng cần xem xét thêm các điều kiện để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn từ thu nhập.

Quy trình mua nhà trả góp

Hồ sơ vay vốn cần chuẩn bị

Giấy tờ liên quan đến nhân thân

  • CMND/Hộ chiếu;
  • Hộ khẩu hoặc KT3;
  • Giấy xác đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận độc thân
  • Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn:
  • Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu sẵn của ngân hàng);
  • Hợp đồng mua bán nhà;
  • Giấy tờ chứng minh các lần đã thanh toán bằng vốn tự có;
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy tờ pháp lý liên quan đến nhà đất giao dịch.

Hồ sơ nguồn thu nhập trả nợ

  • Trường hợp thu nhập từ lương, phụ cấp và các khoản tương đương:
  • Hợp đồng lao động/sao kê tài khoản nhận lương (Lương nhận theo hình thức chuyển khoản);
  • Hoặc bảng lương và xác nhận lương của công ty (Lương nhận tiền mặt).
  • Trường hợp thu nhập từ việc cho thuê tài sản:
  • Hợp đồng cho thuê tài sản;
  • Chứng từ nhận tiền thuê 3 kỳ gần nhất;
  • Giấy tờ pháp lý tài sản cho thuê;
  • Ảnh chụp tài sản cho thuê.

Trường hợp thu nhập từ hoạt động kinh doanh:

  • Giấy Đăng ký kinh doanh hộ cá thể/doanh nghiệp;
  • Giấy tờ chứng minh kết quả kinh doanh: Sổ sách ghi chép, báo cáo tài chính, hồ sơ thuế, giấy tờ nộp thuế,…

Hồ sơ khác: trường hợp đã có các khoản vay khác thì chuẩn bị thêm hợp đồng tín dụng, sao kê tài khoản thanh toán có liên quan.

Quy trình vay mua nhà trả góp

Sau khi hồ sơ được chuẩn bị và nộp vào, phía ngân hàng, công ty tài chính sẽ thực hiện theo quy trình để quyết định khoản vay.

Thẩm định hồ sơ và định giá tài sản đảm bảo

Ở bước này, ngân hàng sẽ:

  • Kiểm tra lịch sử tín dụng & điểm tín dụng của người vay
  • Thẩm định qua trao đổi điện thoại
  • Thẩm định thực tế ở nơi cư trú, nơi làm việc.
  • Đi thực địa để định giá tài sản đảm bảo.

Quyết định cho vay và giải ngân

Nếu hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn, ngân hàng sẽ gửi thông báo cấp tín dụng và tiến hành các thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân khoản vay.

Giám sát và thanh lý hợp đồng tín dụng

Nhân viên tín dụng sẽ luôn giám sát để đảm bảo khả năng thu nợ. Chỉ khi nào người mua nhà trả góp thanh toán hết nợ thì hợp đồng mới được thanh lý và kết thúc quy trình vay.

Kinh nghiệm mua nhà trả góp cho bạn cái nhìn toàn cảnh hơn khi sử dụng phương án này. Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm, giải quyết nhanh chóng nỗi lo khi mua nhà nhưng vẫn là hình thức cần có kế hoạch, tính toán rõ ràng.

Xem thêm: